Lạm dụng keo tự vá sẽ phá hỏng vành xe

Nhiều người tiêu dùng Việt đang bị “hoa mắt”, “bùi tai” với những lời quảng cáo có cánh về tác dụng diệu kỳ của keo tự vá, rằng họ sẽ quên hẳn nỗi lo cán đinh trên đường thiên lý. Tuy nhiên, thực tế nếu quá lạm dụng công nghệ hiện đại sẽ thành "hại điện".

Một chai keo tự vá bán sẵn trên thị trường có giá chỉ từ vài chục nghìn đồng, dùng cho xe máy

Keo tự vá xuất hiện đã vài năm có lẻ tại thị trường trong nước, dùng được cho cả xe ôtô lẫn xe máy và chủ yếu là hàng nhập khẩu Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… Giá đủ loại, rẻ thì từ 30.000đ/bình, 50.000đ/bình, 80.000đ/bình,150.000đ/bình, loại đắt có khi lên tới vài trăm nghìn. Và đúng theo cách định nghĩa về loại keo này, tức là chỉ việc bơm vào ruột bánh xe (loại không săm) là nó tự trám kín vết thủng.

Để đạt được mục đích bán hàng, nhiều thợ xe còn quảng cáo đây là công nghệ tiên tiến mà ở nước ngoài rất phổ biến, nên dùng. Thậm chí, có người còn mách “thượng đế” bơm sẵn cả chai keo vào ruột bánh để… nhỡ có đâm phải đinh thì chỉ việc rút ra đi tiếp, vì đã có keo sẵn bên trong!

Đúng là có nhanh thật. Chỉ vài phút để cắm chai dung dịch vào van lốp và bơm trực tiếp, sạch sẽ và nhẹ nhõm cho cả chủ xe và thợ vá. Ở đường vắng, chủ xe chỉ việc thửa sẵn một bộ bơm điện 110V là có thể an tâm đút túi hút thuốc chờ đợi và lên đường. Đây cũng chính là yếu tố mà các công ty bán bơm cứu hộ khuyến cáo khách hàng nên mua một bộ (gồm bơm và bình keo) có giá… vài triệu, để trên xe nhằm trường hợp xịt lốp giữa đường.

Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, giá thành của cách bơm keo tự vá vẫn cao hơn so với cách vá thủ công. Ví dụ loại K+ mới ra mắt của một doanh nghiệp trong nước, một bình 0,45L dùng cho xe máy có giá 80.000 đồng đã đắt gấp đôi so với một lỗ vá thủ công, chưa kể công thợ chạy bơm khí nén hoặc chủ xe tốn tiền mua bơm. Nhưng nguy hiểm hơn, keo tự vá tiềm ẩn nguy cơ hỏng vành và lốp nếu dùng phải keo dởm hoặc chủ xe quá dựa dẫm vào cách vá xe này.

 

Vành xe bị ăn mòn do dùng keo kém chất lượng

Theo anh Đào Quốc Dương, chủ cửa hàng xe máy số 21 Nguyễn Phúc Lai (Hà Nội), quá trình sửa xe cho khách, anh đã gặp rất nhiều trường hợp mở lốp kiểm tra phát hiện vành bên trong gỉ sét, có dấu hiệu mục, bề mặt trong lốp bở… do dùng keo tự vá. “Nhiều vành còn đóng một lớp đen bẩn dày đặc, phải mất công đánh sạch bề mặt rồi khắc phục,” anh Dương cho biết. “Trước đây tôi cũng được nhiều đại lý ký gửi nhờ bán keo cho khách, nhưng thấy nó không tốt như quảng cáo nên đã không nhập bán nữa”.

 

Bề mặt trong của lốp bị ăn mòn, mủn do dùng keo kém chất lượng

Trả lời trên báo Chất lượng Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - nguyên Phó chủ tịch Hội Kỹ sư ôtô Việt Nam cho rằng, hiện nay chưa có đơn vị khoa học nào kiểm định rõ ràng về thành phần cấu tạo của các loại keo tự vá trên thị trường và tác dụng xâm thực của keo đối với kim loại dùng làm vành xe cũng như tác dụng xâm thực của keo đối với cao su. Do đó, không thể khẳng định loại keo tự vá nào sản xuất đúng quy trình, loại keo tự vá nào an toàn cho lốp, vành xe.

Không phủ nhận vai trò tích cực của keo tự vá trong việc giúp chủ xe tự tin trên đường thiên lý, nhưng anh Vũ Hoài Nam – giám đốc công ty Nam Vũ chuyên cung cấp các sản phẩm hỗ trợ ôtô, cho rằng keo tự vá chỉ là cách “chữa cháy” lúc hoạn nạn. “Bản thân tôi đã dùng và nhập bơm tự vá AirMan ResQ Pro khá nổi tiếng của Đài Loan. Và nhà sản xuất này khuyến cáo người dùng chỉ nên chạy thêm giới hạn 200km sau khi vá để đưa xe đến điểm vá chuyên nghiệp. Sau đó, cần rửa sạch và vệ sinh lớp keo tự vá cũ còn bên trong lốp, vành,” anh Nam chia sẻ.

Không thể phủ nhận tính tiện lợi của keo tự vá như đã nói ở trên. Nhưng nếu vì ham rẻ mua nhầm sản phẩm kém chất lượng hoặc quá lạm dụng thì chính sự “tiết kiệm” không đúng chỗ này lại dễ đẩy người mua đến sự tổn thất nhiều hơn.

 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn