Gặp ông trùm người Việt về xe ở Thái Lan

Tuy là người Việt nhưng ông Trần Văn Khoa, chủ thương hiệu Nattapong Motor (NPM) lại nổi tiếng ở Thái Lan với danh “ông trùm” xe tuk tuk, xe máy, xe hơi.

Trần Văn Khoa Nattapong Motor
 
Gọi là ông trùm Khoa cũng không sai, bởi công ty Nattapong Motor có gần 50 chi nhánh ở 60 tỉnh đông bắc, bán khoảng 30.000 chiếc/năm. Về ôtô, doanh nghiệp của ông Khoa cũng là nhà phân phối độc quyền của Hãng ISUZU ở tỉnh NongBua, Honda, KIA ở tỉnh Chiangmai, NISSAN, BMW ở Udon Thani với doanh số gần 3.000 chiếc/năm. Ngoài ra, ông có trang trại heo 100ha, với hơn 2.000 con heo giống, gần 40.000 heo thịt, có cả nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng chế biến của Anh, Mỹ, mỗi ngày cung cấp thịt cho các siêu thị lớn như Lotus, Big C, Centara. Hiện ông đang mở rộng hệ thống cửa hàng bán thịt  heo NAT 24 hoạt động 24/24 tại các tỉnh đồng bắc. Bên cạnh đó, ông còn sởhữu khách sạn 4 sao Nattapong Grand lớn nhất Nong Bua với hơn 100 phòng, cùng vài nhà nghỉ cao cấp.
 
Ông Trần Văn Khoa  nay đã hơn 70 tuổi. Tuy nhiên ham mê buôn bán như đã nằm trong máu. Từ khi còn nhỏ, ông đi bán bánh kẹo gom góp để dành tiền. Đến năm 15 tuổi được vài ngàn bath, ông mua…3 chiếc máy may để mở tiệm, bắt đầu làm ông chủ nhỏ. Bước chập chững đầu tiên cho tham vọng làm giàu của “ông trùm” Khoa khởi đầu như thế.
 
Phải là duy nhất
Năm 24 tuổi, nhận thấy nếu làm thợ may thì may được cái nào hưởng tiền cái đó, không thể giàu được, nên ông gom tiền mở tiệm bán quần áo may sẵn, chuyên bán quần áo đồ hiệu cao cấp. Thanh niên thời đó rất thích vì áo quần may sẵn đa dạng, nhiều kiểu dáng, màu sắc lại tiện lợi nên chỉ một khoảng thời gian ngắn, tiệm Pon Pan của ông trở nên nổi tiếng nhất Nong Bua. Dù có cửa tiệm nhưng ông thường xuyên giao bạn quản lý. “ Ra tỉnh lớn để mở mang tầm mắt, chứ ngồi một xó  hoài biết khi nào mới khá”, ông nói.
 
Những ngày tháng lang thang khắp các tỉnh thành đã giúp ông đúc kết một bài học kinh doanh: “ Muốn giàu phải cần cù, và trở thành duy nhất”.
 
Ông Khoa chia sẻ, không chỉ cần cù mà để trở thành duy nhất phải biết tạo được uy tín,  lòng tin với khách hàng. Khi đó tiền sẽ tới.
 
Nong Bua Lan Phu là một tỉnh khá “ hẻo lánh” ở đông bắc Thái Lan (cách Bangkok khoảng 600km). Hầu hết xe tuk tuk ở vùng này đều dùng để chở mía, sắn trong rừng nên rất dễ hư hỏng. Mỗi lần hư thì việc sửa chữa, thay phụ tùng rất khó khăn. Biết được điều đó, ông lùng mua phụ tùng xe hơi cũ để chế lại thành xe tuk tuk NPM (Nattapong Motor) chắc chắn hơn. Chưa hết, ông còn cam kết: “Nếu xe tuk tuk NPM bị hỏng, cho dù ở bất kỳ đâu, chỉ trong một ngày sẽ có người đến tận nơi sửa chữa, thay thế”. Cách này đã giúp xe tuk tuk NPM chiếm thế “độc tôn” khắp 7 tỉnh miền đông nước Thái: Nong Khai, Sakon Nakhon, Nong Bua, Udon Thani, Muong Loi, Khon Kaen và Nakhon Phanom. Bây giờ đến những tỉnh này, trong mấy chiếc xe tuk tuk thế nào cũng có xe NPM của ông. “Xe tuk tuk NPM bán đắt hơn những xe cùng loại nhưng nếu bị hỏng sẽ được sửa chữa tận nơi, hoặc đổi hẳn cái mới nên chạy đỡ lo, yên tâm hơn”, Kasorn, lái tuk tuk ở bến xe tỉnh Udon Thani, kể. Với nền tảng đó, ông Khoa kinh doanh thêm mảng xe máy, ôtô và cũng nhanh chóng trở thành “ông trùm”.
 
Mình là người Việt Nam
Sống ở Thái từ nhỏ, nhưng vợ cũng là người gốc Việt, bốn người con sinh ở Thái đều mang tên Việt và trong nhà luôn nói tiếng Việt khi có thể.
 
“Tôi quê gốc Hà Tĩnh, sinh ở Lào, lớn lên ở Thái. Nhưng không hiểu sao, có một điều gì đó khó giải thích, tận thâm sâu tôi vẫn luôn nghĩ dòng máu trong người tôi là dòng máu Việt. Ngay cả những năm 1990 trở về trước, thời Thái Lan còn bài xích, cấm cản người Việt Nam, nhiều người Việt phải giả làm người Thái để khỏi bị làm khó, nhưng tôi vẫn luôn tự xưng tôi là người Việt”, ông Tâm sự. Với suy nghĩ “ phải làm gì đó để gắn kết hơn với quê hương”, năm 2009 ông lập Hội Doanh nhân Thái – Việt ( thuộc Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài) để đầu tư phát triển ở Việt Nam.
 
Giờ đây, “ông trùm” xe khá thảnh thơi vì cơ nghiệp khổng lồ của mình đã có các con quán xuyến. Ngồi trong chiếc xe rộn rã tiếng hát Quang Linh, Thu Hiền, ông tâm sự: “Tôi biết ơn Thái Lan vì đất nước này đã cho tôi cơ  hội có ngày hôm nay. Tuy vậy, điều tôi không bao giờ quên và luôn dạy cho các con rằng: Mình là người Việt Nam”.