Hố tử thần “nuốt” đường xá, nhà cửa vùng lũ

Sau một thời gian oằn mình chống chọi với lũ lụt, người dân ở một số tỉnh miền Bắc vẫn phải sống trong cảnh không có điện và nguy cơ sạt lở núi, sụt lún. 15 trạm biến áp cung cấp cho hơn 500 khách hàng khu vực Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Sơn La vẫn chưa thể hoạt động trở lại bình thường.

lũ lụt
 
Cũng theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), tính đến chiều 5/8, 3 nhánh rẽ đường dây trung thế trong phạm vi quản lý của EVNNPC chưa được đóng điện. Theo đó, hơn 500 hộ dân ở các tỉnh Quảng Ninh, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Giang vẫn chưa có điện để sinh hoạt. Cụ thể, 30 khách hàng thuộc xã Thường Cường gần trạm biến áp (TBA) Chợ Hoàng thuộc Điện lực Chi Lăng vẫn bị mất điện do đường dây điện bị ngập. Dự kiến, trong ngày 6/8, Công ty điện lực Lạng Sơn (PC Lạng Sơn) sẽ khắc phục xong sự cố này. Ngoài ra, 7 TBA gây mất điện hơn 200 khách hàng thuộc Vân Đồn, Đông Triều… vẫn chưa được xử lý. Tuy nhiên, toàn bộ những khu vực quan trọng ở Quảng Ninh đã được cấp điện trở lại như bệnh viện, trạm bơm chống úng,… đặc biệt là các mỏ than.
 
lũ lụt 2
 
EVNNPC cho biết, so với thời điểm 8 giờ sáng, tính đến 15 giờ chiều ngày 5/8, PC Bắc Giang đã khắc phục sự cố, đóng điện 7 TBA để cấp điện trở lại cho hơn 800 khách hàng thuộc địa bàn các xã huyện Lục Ngạn, Yên Thế.
 
Sau lũ lụt, không chỉ đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh, mất điện kéo dài,… người dân Quảng Ninh – nơi bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất trong trận mưa kéo dài tính từ cuối tháng 7 – phải đối mặt với nguy cơ sụt lún nhà cửa, xuất hiện hố tử thần. Tình trạng sạt lở núi diễn ra ở hầu hết các phường Hạ Long, thậm chí ngày 28/7, một mảng núi sạt xuống đường Hậu Cần ở phường Bãi Cháy khiến 1 căn nhà trọ bị sụp làm 2 người thiệt mạng, ngoài ra, tại phường Cao Thắng, đất đá từ trên núi đổ xuống làm sập 3 căn nhà, vùi lấp 9 người khiến 8 người tử vong.
 
lũ lụt 1
 
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng sụt lún, hổ tử thần và sạt lở sẽ xảy ra đồng thời do nhiều khu vực trên địa bàn Quảng Ninh được xây dựng trên nền đất là đất đá thải ra từ quá trình khai thác than của Pháp trước đây, vì vậy nền đất rất yếu. Đặc biệt, là vùng Cẩm Phả, Hòn Gai nằm hoàn toàn trên bãi thải, lẫn nhiều than và đá phiến - loại đá bị ngâm lâu ngày trong nước có thể tan rữa – khiến cho nền móng không ổn định dẫn đến nứt vỡ nhà cửa. Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Thành, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nhận định, ngay cả khi mưa đã hết những mái dốc vẫn có nguy cơ sạt lở do đại bộ phận Hạ Long được xây dựng bên sườn dốc, cấu trúc địa chất gồm những trầm tích mùn đỏ dễ bị phân hủy, nhạy cảm với nước và dễ bị phá vỡ cấu trúc khi trải qua những đợt nắng nóng gay gắt rồi đột ngột mưa dài này. Hơn nữa, nguy cơ xuất hiện hố tử thần là điều có thể bởi đất đá bị bão hòa sau thời gian ngâm nước dài. Sau đó, nước rút đi sẽ cuốn đất đá đã bão hòa theo dòng trôi vào các hang động karst (hang động đá vôi) ở dưới lòng đất tạo nên hố tử thần. Những cái hố này chẳng khác gì những cái bẫy khủng khiếp cho các phương tiện trên đường phố. Mà thực tế, chẳng cẩn lũ lụt cũng nhiều xe đã trở thành nạn nhân của hố tử thần “kỳ bí” rồi.