Lý giải tại sao chân chống luôn ở bên trái

Mỗi chiếc xe máy đều được trang bị hai chân chống, một chân chống giữa và chân chống cạnh. Chân chống cạnh luôn luôn nằm ở bên trái. Điều này không phải do ngẫu nhiên mà đã được các nhà thiết kế nghiên cứu kỹ.

 
Chân chống giữa bao gồm hai chân cân bằng, giúp chiếc xe đứng thẳng để sửa chữa hay chằng buộc hàng hóa lên xe. Hơn nữa, chân chống giữa giúp tiết kiệm diện tích hơn khi để xe. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, chân chống giữa lại khá bất tiện khi sử dụng và đòi hỏi nhiều sức hơn, đặc biệt sẽ khó khăn đối với nhiều phụ nữ. Ngoài ra, chân chống giữa còn thu ngắn khoảng sáng gầm lại, gây ra nhiều bất lợi nên nhiều mẫu xe phân khối lớn không còn trang bị chân chống giữa nữa.
 

Bởi vậy, chiếc xe nào cũng sẽ được trang bị chân chống cạnh, luôn được đặt ở bên trái xe. Đây là một chi tiết rất nhỏ nhưng lại vô cùng hữu ích trên xe máy được phát minh bởi Alfred Berruyer vào năm 1869. Bản thân ngay từ khi ra đời, chân chống cạnh được thiết kế ở bên trái, do yêu cầu kỹ thuật và thói quen sử dụng.
 
Về mặt kỹ thuật, khi xe tay ga chưa có ra đời, những mẫu xe số luôn có bàn đạp phanh sau ở bên phải. Việc thiết kế chân chống ở bên trái sẽ giúp cho phanh chân và chân chống hoạt động độc lập. Hơn nữa, đa phần người sử dụng xe máy sẽ dùng chân phải làm chân trụ, chân trái gạt chống rồi mới đạp số. Nếu đặt chân chống ở bên phải, người lái sẽ phải mất nhiều thao tác hơn khi dùng chân phải gạt chống, đặt chân phải làm trụ rồi mới dùng chân trái đạp số.
 

Ngoài ra, có thể giải thích theo thói quen sử dụng, một số tài liệu cho biết, chân chống xe máy được đặt ở bên trái do đa phần con người thuật bên phải. Hầu hết ai xuống xe cũng đều đưa chân phải lên cao và xoay người theo chiều kim đồng hồ. Nếu cố tình làm ngược lại sẽ rất khó để giữ thăng bằng, điều này được áp dụng từ xe đạp cho đến xe máy.