Phần lớn tài xế vẫn có thói quen dùng điện thoại khi lái xe

Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy phần lớn tài xế vẫn sử dụng điện thoại khi ngồi sau vô lăng, mặc dù họ nhận thức được rằng đây là hành động hết sức nguy hiểm.

David Greenfield, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu các vấn đề về nghiện Internet và Công nghệ (Center for Internet and Technology Addiction), cho biết: “Chúng ta cảm thấy ‘bắt buộc’ phải dùng điện thoại vì mỗi khi nhận được tin nhắn hay cập nhật qua email, mạng xã hội, chúng ta cảm thấy rất vui”.
 
Greenfield đã làm việc với AT&T trong một cuộc khảo sát gồm 1.000 tài xế. Kết quả cho thấy 98% những người tham gia thừa nhận nhắn tin khi ngồi sau vô lăng là một hành động nguy hiểm. Mặc dù vậy, có tới 74% cho biết vẫn có thói quen đó”. Người đứng đầu cuộc nghiên cứu đã so sánh sự hấp dẫn của một tin nhắn mới với một trò chơi trúng thưởng bởi để từ bỏ thói quen này là điều không dễ dàng.
 
Trong số những người tham gia khảo sát, 36% cho biết họ có thể làm nhiều việc cùng lúc khi ngồi sau vô lăng. Một số lý giải thói quen nhắn tin khi lái xe là một phần của công việc hàng ngày để duy trì sự kết nối với những người khác. Một nguyên nhân khác là sợ bỏ lỡ một tin nhắn quan trọng.
 
Trên thực tế, sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông cũng là hiện tượng phổ biến tại Việt Nam và không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra. Đây là hành động nguy hiểm, không những gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn do mất tập trung mà còn tạo điều kiện cho hành vi cướp giật đối với những người điều khiển xe máy. Theo Báo Giao thông, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia - cho biết có khoảng 30% số vụ TNGT do thiếu quan sát, chú ý, trong đó một lượng đáng kể là do vừa sử dụng điện thoại vừa điều khiển phương tiện. Mặc dù vậy, không mấy khi thấy những lái xe “đa di năng” thế này bị lực lượng chức năng xử phạt.
 
Theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy “sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính” sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 nghìn đồng. Một con số bị đánh giá là quá thấp so với nguy cơ những người “bị phân tâm” này có thể gây ra. Một điểm đáng lưu ý nữa là mới chưa có quy định xử phạt tương tự áp dụng cho người điều khiển ôtô. Hồi tháng 10 vừa qua, một tài xế điều khiển xe tải chạy trên quốc lộ 1A đâm chết 3 thành viên trong cùng một gia đình vào chiều 19/10. Nguyên nhân không gì khác là do mải nghe điện thoại nên đâm vào đuôi xe máy chở 3 người chạy phía trước.