Tai nạn giao thông nghiêm trọng: Nguyên nhân do đâu?

Tuần vừa qua đã xảy ra những vụ tai nạn giao thông hàng loạt làm hàng chục người thương vong, chủ đề đang được cư dân mạng bàn tái nhiều nhất là: Đâu là nguyên nhân thực sự gây ra những sự cố này.

Vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Long An khiến 4 người thiệt hạng
Ảnh: Soha
 
Đáng chú ý nhất phải kể đến vụ tai nạn xảy ra tại Bến Lức, Long An khi chiếc container tông vào hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ khiến 4 người chết, hơn chục người khác bị thương.
 
Phần lớn cư dân mạng đổ lỗi cho tài xế container chạy ẩu. Điều đó không phải không có căn cứ khi đoạn video cho thấy chiếc xe gây tai nạn không hề có dấu hiệu giảm tốc độ khi đi qua ngã tư. Đáng lo ngại hơn, kết quả kiểm tra kết luận người này dương tính với heroin, nồng độ cồn cao.
 
Nhiều người bày tỏ thái độ bức xúc về việc hạ tầng giao thông ở khu vực này đang xuống cấp, xuất hiện ổ gà, ổ voi, một ngày xảy ra không ít vụ tai nạn. Nguy hiểm hơn, mặt đường khá hẹp, không có dải phân cách khiến xe máy phải chạy chung với ôtô. Người dân cho biết đoạn đường xuống cấp từ lâu nhưng không được làm lại mà chỉ chắp vá nên chỉ sau một tháng lại quay về như cũ.
 
Phó Giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Long An đã xác nhận hiện trạng trên, nhưng ông lấy lý do đoạn đường xảy ra tai nạn thuộc sự quản lý của Cục Quản lý đường bộ nên sở không thể làm gì.
 
Thực tế, sự xuất hiện của ổ gà, ổ voi hay những đoạn đường chắp vá là tình trạng chung của nhiều tuyến đường tại Việt Nam, nguy cơ gây mất an toàn khi phương tiện lưu thông với tốc độ cao, đặc biệt xe máy. Tuy nhiên, cơ quan quản lý có biết cũng chỉ... để đấy.
 
Bên cạnh ý thức của tài xế, sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng, mật độ giao thông gia tăng tại các thành phố lớn cũng được cho là một nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thời gian vừa qua.
 
Khoảng 15 năm trở lại đây, dân số Hà Nội đã tăng từ 5,3 triệu người (năm 2002) lên 9,6 triệu người (năm 2017). Với tốc độ tăng trưởng như vậy, đến năm 2030, con số có thể đạt 13-14 triệu người, thậm chí 16-17 triệu người vào năm 2050.
 
Dân số tăng dẫn tới nhu cầu đi lại tăng theo. Từ năm 2008 đến 2017, số lượng xe máy tăng từ 2 triệu phương tiện lên 5,4 triệu phương tiện, tương đương mức tăng 7-8% mỗi năm. Ở ôtô, tốc độ tăng trưởng từ 10-12%/năm.
 
Số liệu từ phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho thấy, mỗi tháng, thành phố có khoảng 27 nghìn xe đăng ký mới, gồm 22.000 xe máy, 5.000 ôtô, chưa kể đến hơn 1 triệu xe từ ngoại tỉnh vào nội đô. Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ vài năm nữa, Hà Nội sẽ không còn đường để đi lại, nhất là khi số lượng xe con không ngừng gia tăng như hiện nay.
 
Hệ thống giao thông công cộng còn hạn chế cũng nhà yếu tố khiến thành phố chưa giảm bớt được áp lực lên cơ sở hạ tầng. Ước tính, loại hình dịch vụ này mới đáp ứng khoảng 8% nhu cầu đi lại của người dân. Đầu năm 2016, Hà Nội triển khai tuyến xe buýt nhanh (BRT) nhưng lượng hành khách sử dụng cũng chỉ đạt khoảng 15.000 lượt/ngày, thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Dự kiến trong năm nay, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông cũng đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định hiệu quả có thể không như kỳ vọng bởi cách bố trí ga chưa hợp lý.
 
Trước thực trạng những vụ tai nạn thương tâm liên tục xảy ra, nhiều bạn đọc đề xuất ý kiến: Ngoài xử lý công tâm những vụ việc để “răn đe” các tài xế chạy ẩu, cơ quan quản lý cần xem xét lại hạ tầng giao thông trên cả nước.
 
Điển hình là việc tách làn đường dành riêng cho các loại phương tiện, không sử dụng đường hỗn hợp như hiện nay. Như vậy mới góp phần giảm được rủi ro do những vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa ôtô và xe máy. Tuy nhiên, đề cập đến vấn đề này, đại diện Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định: Kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam rất đa dạng, nhiều nơi chưa thể tách được ngay do đường nhỏ hẹp.
 
Trong khi đó, Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng việc tách làn còn phụ thuộc vào lưu lượng xe cũng như quỹ đất dành cho phát triển giao thông nên phải được rà soát, nghiên cứu cụ thể.