Đằng sau màn đua xe trong Fast & Furious 6 (1)

Những màn đua xe trong Fast & Furious (F&F) từ những tập đầu tiên luôn gây sốt và nghẹt thở. Trong “Fast Six” mới công chiếu cũng vậy, thậm chí còn thêm cảnh đua cả với xe tăng! Tất cả đều giúp bộ phim được chờ đón và tạo doanh thu khổng lồ cho hãng phim Universal.

“Nó là sự thật cộng với 30%” và “Chúng tôi đã đưa mọi thứ đi xa hơn”, đó là lời giải thích của Justin Lin về những pha hành động nghẹt thở cùng màn đua xe ô tô đỉnh cao trong tập phim Fast & Furious 6 (Fast Six) do ông làm đạo diễn. Lin đã phải mất hai năm, huy động một lực lượng lớn người và xe, các phương tiện vận chuyển trải khắp thế giới và một lớp công nghệ dày đặc cho bộ phim. Tất nhiên đi cùng với đó là cả một núi tiền.
 
Đây không phải là thời đầu thập niên 1970, khi một nhóm nhỏ có thể làm phim hành động đường phố với kinh phí eo hẹp. Và khán giả ngày nay sẽ không thể chấp nhận hình ảnh những chiếc ô tô được tạo nên bằng kỹ xảo vi tính, thứ mà được coi là tiêu chuẩn khoảng chục năm trước. Tác phẩm điện ảnh đỉnh cao năm 2013 đã kết hợp các phân đoạn được quay tại các địa điểm khác nhau trên toàn cầu với hiệu ứng kỹ thuật số được chỉnh sửa tỉ mỉ.
 
Những màn hành động hái ra tiền
Bộ phim mới nhất trong series này là “Fast Six” có sự tham gia của những chiếc xe đắt tiền với tính năng kỹ thuật siêu việt. Phim đã đẩy sự chân thực của cảnh hành động xe hơi thêm 30% với hàng trăm phân cảnh đua xe, va chạm, cháy nổ và lộn nhào.
Quay ngược thời gian trở lại, sau sự thành công ngoài mong đợi của bộ phim F&F đầu tiên ra đời năm 2001. Nếu theo tiêu chuẩn của ngành công nghiệp giải trí thì số tiền 38 triệu USD để sản xuất bộ phim này là khá rẻ. F&F đã làm nóng các phòng vé ngay trong ngày công chiếu ra mắt khi thu được 144,5 triệu USD tiền bán vẽ tại Mỹ và 62 triệu USD tại nước ngoài. Cỗ máy ngốn tiền này tiếp tục được tăng tốc và tập phim “2 Fast 2 Furious” ra đời năm 2003 thậm chí còn tốn nhiều tiền hơn mặc dù nó không có sự hiện diện của ngôi sao cơ bắp Vin Diesel.
 
Mẫu xe Yenko Camaro 1969 trong “2 Fast 2 Furious” năm 2003
 
Bộ phim F&F đầu tiên của Lin là tập “The Fast and The Furious: Tokyo Drift” ra mắt năm 2006. Doanh thu bán vé của nó chỉ khoảng 150 triệu USD tại Mỹ nhưng nhà sản xuất đã kiếm được 96 triệu USD ở các rạp quốc tế. Sau đó năm 2009, bộ phim thứ 4: “Fast & Furious” đã đạt doanh thu khổng lồ 363,2 triệu USD trên toàn cầu. Tập phim gần đây nhất, “Fast Five” năm 2011, đã kiếm được 626,1 triệu USD. Xu hướng tăng trưởng mạnh như vậy đã hối thúc Hollywood tiếp tục mở rộng kinh doanh. Tính tổng cộng, 5 tập phim F&F đã mang về cho nhà sản xuất khoảng 1,6 tỷ USD.
 
Mazda RX7 trong một cảnh quay của tập phim Tokyo Drift
 
Với những bộ phim mà được coi là “gà đẻ trứng vàng”, Universal đã thuê Lin và quyết định dành khoảng 160 triệu USD để làm F&F 6 mặc dù hãng này không chính thức xác nhận kinh phí làm phim.
 
Xe và những món đồ chơi
Những cảnh có liên quan tới thứ mà người ta đang gọi là màn rượt đuổi bằng xe “flip-car” chuyên “xúc” xe khác bắn tung lên trời… hóa ra lại được “bật” ra khi anh chàng viết kịch bản ngồi trong một quán café ở Burbank, California chỉ với chiếc MacBook cũ, một ngày năm 2011. Người viết kịch bản đó là Chris Morgan.
“Ý tưởng luôn là phải có một chiếc xe như một vũ khí”, Morgan giải thích. “Ban đầu chiếc xe được chọn là Mercedes-Benz G-wagen với cơ cấu húc lật được triển khai từ trên mui. Nhưng ngay sau đó chúng tôi đã xác định lại rằng nó cần phải là một chiếc xe đua kiểu như F1”.
 
Được trang bị động cơ GM LS3 V8, những chiếc xe húc lật “flip-car” được chế tạo thủ công ở California.
 
Đầu năm 2012, Lin đã phải thuê thiết kế và chế tạo 7 chiếc flip-car với khung bằng thép ống tại một cơ sở ở California. Với hệ thống treo trước được lấy từ một chiếc bán tải Chevrolet của những năm 1980 và một trục sau được đặt trên hệ thống treo liên kết ba điểm, mỗi chiếc flip-car được vận hành bằng một động cơ GM LS3 V8 dung tích 6.2 công suất 430 mã lực, mua trực tiếp từ nhóm chuyên độ xe GM Performance Parts. Được lắp lùi về phía sau cabin, động cơ LS3 đưa công suất tới một hộp số tự động 3 cấp Turbo Hydra Matic 400 để dẫn động bánh sau. Hình dạng chiếc nêm của flip-car khiến nó trông ngầu và rất nguy hiểm. Flip-car có thể chui bên dưới những chiếc xe thông thường để hất tung chúng lên trên không. Hệ thống lái 4 bánh cho phép chúng có thể bò nhanh thoăn thoát trong quá trình chiến đấu. Trong phim thì những chiếc flip-car được giao cho những tay gang-ster (vai phản diện) cầm lái, điều đó càng tăng thêm độ ngầu của phim.
 
Nissan GTR đấu với Dodge Challenger SRT-8 trong FF6
 
Những nhân vật chính diện – bao gồm cả Vin Diesel, các bạn đồng nghiệp cùng những người đẹp – sử dụng những chiếc BMW M5 màu đen (hoặc ít nhất là những chiếc 5-Series được cải trang thành M5). Trong phim còn có sự xuất hiện của một loạt những chiếc xe cơ bắp của Mỹ và một chiếc xe bọc thép Navistar MXT do “cựu binh” của F&F - Dwayne Johnson – cầm lái. Cũng có phần ưu ái cho châu Âu, nơi bối cảnh phim diễn ra, nên đoạn phim nhóm dùng xe kéo gục cả 1 chiếc Antonov bự đã được dành cho dòng xe Alfa Romeo điệu đà!
 
Xe tăng chiến đấu xuất hiện trong tập 6 tạo nên màn rượt đuổi ăn khách
 
Đặc biệt ở phần 6, mẫu xe quân sự bọc thép Gurkha F5 của tập trước đã có thêm đối thủ “cực ngầu” là một chiếc xe tăng chiến đấu tạo hiệu ứng khói lửa cực kỳ hấp dẫn.
 
Cảnh quay rượt đuổi hấp dẫn nhất FF6:
 
 
(còn tiếp)
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn