Kinh doanh xe phân khối lớn: Đích đến còn xa!

Hàng loạt thương hiệu xe máy phân khối lớn (PKL) ra mắt và chuẩn bị ra mắt tại Việt Nam, tuy nhiên quy mô thị trường trong năm 2014 có thể cũng mới chỉ đạt tới con số 3 đến 5 nghìn xe.

Việc bãi bỏ hạn chế đối tượng được thi bằng A2 từ tháng 3/2014 và đề xuất mới đây về việc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xe PKL đã tạo ra cảm tưởng thị trường này sắp bùng nổ đến nơi, ngay trong thời gian trước mắt.
 
Ào ạt ra mắt
 
Trong quý cuối năm 2013, lần lượt 2 thương hiệu xe PKL nổi tiếng là KTM và Harley-Davidson nối đuôi nhau mở đại lý tại Việt Nam. Tháng 9, showroom KTM đầu tiên được mở tại TP.HCM và đến cuối tháng 10, showroom tại Hà Nội ra mắt. KTM là thương hiệu xe máy với đủ các phân khúc, nổi tiếng hàng đầu châu Âu. Hiện tại, KTM Việt Nam đang bán các dòng xe gồm Duke với các phiên bản 125, 200, 390 và 690/690R, Super Duke 990 R, 990 Supermotor T và Super Motor R, 1190 RC 8 R, và Enduro.
 
 
Cuối tháng 11, Harley-Davidson cũng chính thức mở đại lý ở TP.HCM. Số lượng xe trưng bày tại showroom hiện có trên dưới 30 chiếc thuộc 4 dòng sản phẩm được phân cấp từ thấp đến cao gồm Sportster, Dyna, Softail và Touring.
 
Trước đó, thị trường Việt Nam đã có 2 cái tên khác là Ducati và Benelli. Cũng từ đầu năm 2011, Suzuki Việt Nam bắt đầu nhảy vào lĩnh vực kinh doanh xe PKL với một loạt sản phẩm phổ thông từ 125cc trở lên, trong đó có cả những chiếc xe rất nổi tiếng trong giới chơi xe thế giới như Hayabusa, GSX-R 1000 hay Intruder M1800R.
 
 
Mới nhất là thông tin Kawasaki cùng Keeway sẽ được nhập khẩu và phân phối chính hãng tại Việt Nam. Theo tin chưa chính thức, xe Kawasaki nhập khẩu được lắp ráp tại Thái Lan, với ưu điểm là thuế nhập khẩu thấp nhất do cùng khu vực. Cũng từ Thái Lan, trong vài năm tới rất có thể giá xe BMW sẽ hạ rất nhiều do hãng xe Đức đã tiến hành xây dựng nhà máy đầu tiên tại nước này và rất có thể sẽ sớm có đại lý bán tại Việt Nam
 
“Việt Nam là thị trường xe máy lớn thứ tư thế giới, vì thế tiềm năng của xe phân khối lớn cũng sẽ rất hứa hẹn, đặc biệt khi việc hạn chế thi bằng A2 bị bãi bỏ”, ông Lawson Dixon – Tổng giám đốc showroom Harley-Davidson Sài Gòn cho biết.
 
Ông Lawson Dixon – Tổng giám đốc showroom Harley-Davidson Sài Gòn
 
Tiềm năng nhưng đường…còn hẹp
 
Với mức tiêu thụ hơn 3 triệu xe máy mỗi năm vào thời điểm hiện nay, lẽ ra thị trường xe PKL Việt Nam phải rất tiềm năng. Tuy nhiên, nó đã bị bó chặt bởi nhiều lý do. Ngoài quan điểm hạn chế đối tượng được sử dụng xe mới bị bãi bỏ, lý do chính vẫn là giá xe quá cao. Cũng như với ôtô, giá xe đắt gấp gần 3 lần ở nước ngoài do các loại thuế đánh chồng lên nhau.
 
 
 
Thuế xe máy PKL nhập khẩu hiện cao nhất lên tới 80%, tùy theo dung tích động cơ và xuất xứ. Ngoài ra, xe còn phải chịu 20% thuế tiêu thụ đặc biệt (cho xe từ 125cc trở lên) và 10% VAT.
 
Lấy ví dụ một chiếc xe có giá 10 nghìn USD, sau khi nộp đủ các loại thuế, giá bán ra tại Việt Nam vào khoảng 24 nghìn USD. Theo bảng giá xe Harley-Davidson tại Việt Nam mới công bố, giá thấp nhất là mẫu SuperLow 883cc thuộc dòng Sportster, 336 triệu đồng. Còn đắt nhất là các xe V-Rod Muscle động cơ 1.247cc giá 814 triệu đồng, Electra Glide Police 1.690cc giá 898 triệu hay Road King Classic 1.690cc giá tới 989 triệu đồng. Với giá này đã dư tiền mua một chiếc Toyota Camry 2.0 lắp ráp tại Việt Nam.
 
Một trở ngại khác nữa là các doanh nghiệp là chưa nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, hoạt động kinh doanh của các nhà phân phối xe PKL hầu hết là “tự túc”. Ông Võ Minh Trang, Chủ tịch HĐQT Motorrock, đơn vị phân phối xe Benelli, cho biết: “Các thủ tục về hải quan, đăng kiểm còn nhiều thách thức khiến giá xe cao lên vì những chi phí không đáng có khiến giá bán sản phẩm đến người tiêu dùng cao, điều đó phần nào làm mãi lực giảm đi”. ông Trang nói. “Điều kiện giao thông cũng là trở ngại cho ngành kinh doanh xe PKLphát triển”,

Ông Võ Minh Trang, Chủ tịch HĐQT Motorrock
 
Lý do trên cũng khiến Piaggio Việt Nam phải gạt bỏ kế hoạch đưa các thương hiệu xe gắn máy PKLtrong tập đoàn như Aprilia hay Moto Guzzi vào thị trường trong nước. Ngoài ra, như ông Trang nhận định, trước đây chỉ có vài ba nhà nhập khẩu nhỏ thì nay có đến hàng chục nhà phân phối lớn. Thị trường xe PKL sẽ đứng trước ngưỡng cạnh tranh gay gắt khi mà bên cạnh các nhà nhập khẩu sẽ có sự tham chiến của các “ông lớn” như Yamaha, Suzuki...
 
Khẳng định thị trường xe sẽ khởi sắc nhờ tác động lớn từ Thông tư 38 (bỏ hạn chế người thi bằng A2), nhưng ông Trịnh Khắc Tánh, Giám đốc Marketing KTM Việt Nam, cũng chỉ dự báo quy mô có thể đạt 3-5 nghìn xe trong năm 2014. Con số này bằng một phần nghìn (1/1.000) quy mô thị trường xe máy trong nước. Tuy vậy, nếu tăng tối đa như ông Tánh ước đoán, đã gấp 5 lần lượng xe PKL nhập khẩu trung bình trong vài năm qua.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn