Xu hướng phát triển ôtô điện trên thế giới và Việt Nam (phần 1)

Cách đây hai năm, chiến lược phát triển ôtô điện tại Việt Nam gặp nhiều thách thức, khiến nhiều người hoài nghi về xu hướng sử dụng ôtô điện. Tuy nhiên, hiện nay lộ trình điện khí hóa ôtô càng trở nên rõ ràng hơn.

Có một sự thật ít ai chú ý đó là xe điện từng được phát triển trước khi xe xăng trở nên phổ biến. Vào những năm 1880, Gustave Pierre Trouvé (1839-1902), một kỹ sư điện và là nhà phát minh nổi tiếng người Pháp đã ứng dụng thành công pin sạc trên xe ba bánh, tạo ra chiếc xe chạy điện đầu tiên trên thế giới. Năm 1912, thị trường xe điện bùng nổ và riêng tại Mỹ đã có đến 33.842 chiếc xe điện được lưu hành. Xe điện phổ thông nhờ tính đơn giản và dễ sử dụng. Trong khi đến năm 1886, nhà khoa học người Đức Carl Friedirch Benz mới đăng ký phát minh ra chiếc xe chạy bằng xăng đầu tiên trên thế giới. Và xe điện chỉ thật sự “bước lùi” từ sau thập niên 1920 khi Ford bắt đầu sản xuất dây chuyền các xe chạy xăng giá rẻ, khiến cuộc đua sản xuất xe động cơ đốt trong chính thức bắt đầu.

Thực tế, mọi người luôn ưa chuộng những chiếc xe mạnh mẽ, tốc độ, hiệu quả sử dụng cao… nên xe thương mại, xe du lịch cho đến các phương tiện giao thông công cộng dùng động cơ xăng đã liên tục phát triển hơn 100 năm qua. Mãi cho đến gần đây, nhân loại mới giật mình tỉnh thức trước những báo động từ các nhà môi trường về sự cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch (chất liệu làm nên xăng và dầu), cùng những ảnh hưởng tai hại đến môi trường sống, tiêu biểu là sự nóng lên toàn cầu từ khí thải carbonic trong quy trình khai thác nhiên liệu và sử dụng ôtô chạy xăng dầu, buộc chính quyền các nước cùng nhà sản xuất phải tính lại bài toán cho tương lai ngành công nghiệp ôtô.

Chiến lược phát triển xe điện của chính phủ các nước

Chính sách ưu đãi của chính phủ là một trong những động lực chính cho sự tăng trưởng thị trường xe điện toàn cầu, thông qua quyết tâm “đi tắt đón đầu” công nghệ sản xuất pin nhiên liệu, cùng với sự hỗ trợ từ chính phủ, ví dụ giá trung bình của xe điện Trung Quốc chỉ cao hơn 10% so với ôtô truyền thống.

Xe điện Mercedes-EQ EQS 580 4MATIC 2022

Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Đăng kiểm, năm 2019 có khoảng 240 xe điện nhập khẩu vào Việt Nam, năm 2020 hơn 400 xe, và năm 2021 gần 600 xe. Con số còn khá khiêm tốn này đến từ nhiều lý do, trong đó có giá xe cao và việc thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc. Việt Nam có lẽ đã hơi trễ để bắt kịp xu hướng khi cuối năm 2021 Chính phủ mới đề ra mục tiêu điện hóa phương tiện giao thông và đưa ra một lộ trình lâu dài. Trong khi Thái Lan đặt lộ trình bắt đầu từ 2025 cho đến khi đạt 100% xe điện hóa vào năm 2035 thì theo Quyết định 876 của Chính phủ, Việt Nam đề ra mục tiêu đến 2040 mới có thể hạn chế nhập khẩu và lắp ráp xe nhiên liệu hóa thạch, sau đó mới đến quá trình phát triển hạ tầng sạc điện. Cũng theo QĐ876, đến năm 2050 Việt Nam sẽ đạt mục tiêu 100% sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như ôtô, xe máy.

Tuy nhiên, điều tích cực đáng kể là từ đầu năm 2021 khi VinFast chính thức ra mắt ôtô điện đã góp phần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cho các mức thuế, đặc biệt là thuế trước bạ xe điện trở nên hợp lý hơn, thu hút cả những nhà nhập khẩu và sản xuất khác. Tiếp đó, đầu năm 2022 Việt Nam thực thi chính sách đưa mức thu lệ phí trước bạ của ôtô điện chạy pin về 0% trong vòng 3 năm, kể từ 1/3/2022. Được biết trong 2 năm tiếp theo, mức thu lệ phí trước bạ chỉ bằng 50% xe xăng có cùng số chỗ ngồi. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô điện chạy pin cũng giảm chỉ còn 1-3%, có hiệu lực từ tháng 3/2022 đến hết tháng 2/2027. Tất cả chung sức giúp Việt Nam bắt đầu trở thành thị trường tiềm năng đối với nhiều hãng xe điện hàng đầu thế giới, thu hút các nhà nhập khẩu giới thiệu xe tại Việt Nam.

Mục tiêu phát triển của các nhà sản xuất xe điện

Có thể nói cuộc cách mạng xe điện đã thật sự diễn ra trong hơn ba năm qua khi dần có nhiều hãng ôtô truyền thống đưa xe điện vào dòng sản phẩm trọng điểm của họ, bất chấp những khó khăn từ đại dịch toàn cầu, xung đột địa chính trị, tắc nghẽn chuỗi cung ứng do thiếu chất bán dẫn, cũng như những khó khăn chủ quan từ cơ sở hạ tầng, trạm sạc còn hạn chế, nhu cầu về pin và nguyên liệu thô tăng cao… Kể từ 2020 và 2021, nhiều quốc gia và hãng ôtô khắp thế giới đã đặt mục tiêu loại bỏ dần việc sử dụng xe động cơ đốt trong (ICE) trong vòng hai thập kỷ tới.

Xe điện Volvo C40 Recharge 2023

Một trong các hãng tiên phong là Volvo và Volkswagen, hiện gần như đang đặt toàn bộ tương lai của họ vào xe điện. Trong đó Volkswagen hướng đến mục tiêu vào năm 2030 số lượng xe điện bán ra sẽ chiếm 50% tổng doanh số, và đang cụ thể hóa bằng cách triển khai kế hoạch lắp đặt bộ sạc điện tại tất cả đại lý và nhà cung cấp của mình, cũng như trên các tuyến đường và hành lang giao thông chính tại Đức. Tại Bắc Mỹ, đặc biệt là những khu vực có nhiệm vụ tái tạo năng lượng mạnh mẽ như New York, Massachusetts, New Jersey và Ontario cũng đang được xây dựng hệ thống công cộng điện khí hóa, nhất là California, tiểu bang được thúc đẩy quá trình này nhiều nhất trong các năm qua, cả về giao thông công cộng lẫn thương mại. Hiện tại họ đã chuyển đổi xe buýt chạy bằng pin điện (BEB) và pin nhiên liệu hydro (FCEB).

Một số dòng xe, mẫu xe điện tạo sự đột phá

Trong năm 2021 ngành công nghiệp ôtô điện đã tăng tốc phát triển. Cách đây 10 năm, số lượng xe điện bán ra trên toàn cầu chỉ vào khoảng 120.000 chiếc (năm 2012) thì con số này tăng đến 6,6 triệu xe vào năm 2021, chiếm gần 10% doanh số ôtô trên toàn thế giới và hơn gấp đôi doanh số năm 2020. Năm 2021, doanh số xe điện hybrid cắm sạc ngoài (PHEV) có tỷ lệ phần trăm doanh số thay đổi đáng kể nhất với mức tăng 65,3%, tiếp theo là xe điện chạy pin (BEV) với mức tăng 63,8%. Đặc biệt tại một số thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu và Mỹ, tổng lượng xe điện tăng trưởng lên đến 39% - tương đương 3,1 triệu chiếc trong năm 2021 và dự kiến đạt tới 30 triệu xe bán ra vào năm 2028, tiến đến chiếm 48% tổng số xe du lịch vào năm 2030.

Thị phần ôtô điện trên thế giới trong năm 2021

Riêng Trung Quốc đi đầu về số lượng xe điện bán ra vào năm 2021 với doanh số gấp đôi so với 2020 và hơn cả tổng doanh số của các quốc gia còn lại trên thế giới. Theo nhận định của Juan Felipe Munoz - một chuyên gia từ hãng thống kê và phân tích thị trường đa quốc gia (Jato Dynamics), Trung Quốc đã tạo được ấn tượng tốt khi đưa thương hiệu Nio với mẫu xe SUV thuần điện ES8 trở thành ngôi sao đáng gờm tại sân chơi thế giới. Ngoài việc tiên phong trong hệ thống đổi pin với hàng trăm trạm đổi pin được xây dựng khắp khu vực trọng điểm, Nio ES8 còn có khả năng chạy đến hơn 500km trước khi phải sạc. Tại sự kiện ra mắt ở Berlin tháng 9/2022, chủ tịch NIO là Li Bin đã cho biết công ty sẽ có mặt tại 25 quốc gia và khu vực vào năm 2025. Hiện tại NIO có hơn 250.000 người dùng ở Trung Quốc và Na Uy với 1.158 trạm đổi điện, hơn 11.000 bộ sạc NIO và kết nối với gần một triệu bộ sạc của bên thứ ba. Sự tăng tốc khám phá thị trường nước ngoài của các hãng xe Trung Quốc còn nhằm cạnh tranh vị trí dẫn đầu. SAIC Motor, với tư cách là nhà sản xuất ôtô lớn nhất Trung Quốc, đã cung cấp mẫu xe thuần điện mới - MG4 ELECTRIC cho thị trường châu Âu vào tháng 7/2022. Đến nay, doanh số MG ở châu Âu đã vượt 45.000 xe, giúp MG lọt top 10 thị trường xe điện thuần túy ở Thụy Điển, Na Uy và các quốc gia khác. Trong khi đó BYD cũng đã tung ra ba mẫu xe tại thị trường châu Âu vào tháng 9/2022. Theo báo cáo phương tiện truyền thông, công ty cho thuê ôtô lớn nhất ở Đức - Sixt - đã công bố kế hoạch mua 100.000 xe điện từ BYD trong vòng sáu năm.

Năm 2021 cũng đánh dấu Mỹ trở lại cuộc đua một cách ấn tượng sau hai năm sụt giảm, với lượng xe điện bán ra tăng hơn gấp đôi so với 2020, trong đó hãng Tesla chiếm một nửa thị phần xe điện tại Mỹ.

Các hãng xe Nhật với Nissan Leaf, Toyota Prius Plug-in Hybrid hay Chevrolet Volt của GM (Mỹ) là một trong những mẫu xe điện đáng giá và hiệu quả trong giai đoạn đầu của kỷ nguyên xe điện. Song phải đến những năm 2011-2015, khi Tesla ra mắt các mẫu xe Model S, Model X, Model 3 và Model Y thì mới thật sự tạo “cú hích” cho ngành xe điện thế giới, truyền cảm hứng cho các nhà sản xuất Trung Quốc như BYD, Great Wall Motor, Xpeng và Aiways… nghiên cứu và sản xuất mạnh mẽ. Cuộc chạy đua công nghiệp xe điện bắt đầu từ tăng độ bền của pin điện, rút ngắn thời gian sạc pin, tăng đoạn đường có thể chạy được, cho đến hệ thống khung gầm gọn nhẹ theo kiểu liền khối của xe Tesla trở thành xu hướng. Đây cũng là những tiêu chí phát triển xe điện hiện tại, xa hơn nữa là mục tiêu chinh phục thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, chi phí sử dụng ôtô điện cũng là tiêu chí rất quan trọng. Tổng giám đốc VinFast Trading Việt Nam - ông Hoàng Chí Trung – cho biết, chi phí bảo dưỡng của xe VF e34 tiết kiệm khoảng 70-80% so với xe xăng cùng phân khúc. Việc chăm sóc một chiếc xe xăng tốn công sức và thời gian gấp bốn lần xe điện. Riêng về pin, VinFast đẩy mạnh chính sách cho thuê pin, giúp khách hàng không còn lo rủi ro với pin, vì trong xe điện thì pin có giá trị rất lớn. Chi phí thuê pin cộng với phí sạc pin chỉ tương đương phí tiêu thụ nhiên liệu của xe xăng cùng phân khúc.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn