Xu hướng phát triển ôtô điện trên thế giới và Việt Nam (phần 2)
Xu hướng phát triển ôtô điện tại Việt Nam
Việc sản xuất ôtô điện tại Việt Nam hiện chỉ có VinFast với các dòng xe từ VF 5 đến VF 9 và Hyundai dự kiến sẽ lắp ráp Ioniq 5 thuần điện vào năm sau cũng như hướng tới xuất khẩu xe điện. Riêng các “ông lớn” như Toyota chỉ tập trung ra mắt và tổ chức lái thử ôtô hybrid như Corolla Altis Hybrid; Ford thì chưa xúc tiến kế hoạch phân phối xe điện tại Việt Nam. Theo giám đốc Shigeki Terashi của Toyota, họ chưa tin thị trường xe điện sẽ phát triển trong tương lai gần, hiện tại còn quá sớm để “dồn hết trứng vào một giỏ”. Ông nói: “Vẫn còn quá sớm để tập trung vào duy nhất một lựa chọn. Từ nay tới năm 2050, sẽ có nhiều lựa chọn khác nhau, trong đó có xe hybrid và xe chạy pin nhiên liệu cạnh tranh với nhau để Toyota đưa ra lựa chọn tốt nhất”.
Dù chỉ ở mức thăm dò, với mục tiêu doanh số còn khá mơ hồ, năm 2022 chứng kiến sự chuyển giao nhẹ khi các xe hybrid lần lượt ra mắt tại các hãng, mở đầu cho cuộc điện khí hóa xe thương mại. Tuy nhiên về xe thuần điện nhập khẩu, các xe ra mắt thiên về thương hiệu cao cấp, chủ yếu thu hút người sử dụng sản phẩm cấp tiến, yêu thích công nghệ mới và ủng hộ môi trường. Đáng chú ý là xe SUV Audi e-tron (trong Top 5 xe điện bán chạy nhất trên thế giới 2021) đã ra mắt từ sớm tại các cuộc triển lãm xe ở Việt Nam, công suất đến 335 mã lực, pin 106kWh, chạy 440-582km (bản Sportback), giá trên 5,2 tỷ đồng (bản GT quattro và GT RS). Tiếp theo, mẫu sedan thuần điện Mercedes-EQ EQS 580 giá gần 6 tỷ đồng, chạy gần 700km. Đa số khách hàng trung lưu sẽ mong chờ Volvo C40 Recharge, mẫu xe thuần điện đầu tiên của hãng xe Thụy Điển dự kiến cuối năm 2023 sẽ về Việt Nam.
Xe SUV Audi e-tron (trong Top 5 xe điện bán chạy nhất trên thế giới 2021) đã ra mắt từ sớm tại các cuộc triển lãm xe ở Việt Nam
Mẫu sedan thuần điện Mercedes-EQ EQS 580 giá gần 6 tỷ đồng tại Việt Nam
Trong khi đang từng bước mở rộng thị phần ôtô điện tại Việt Nam, VinFast đã “mang chuông đi đánh xứ người”, đưa mẫu xe VF 8 sang Mỹ. Đây là bước phát triển tích cực cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam nói chung khi lần đầu tiên một hãng xe mang thương hiệu Việt xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để khẳng định ôtô điện sẽ được phổ cập thành công tại Việt Nam theo lộ trình được đưa ra cũng như trên thực tế. Tuy nhiên với những tín hiệu tích cực nêu trên cũng có thể hy vọng Việt Nam tương lai sẽ còn góp mặt nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp ôtô điện.
Về chiến lược phát triển xe điện VinFast, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ: “Thứ nhất, sản phẩm tốt, chất lượng xe rất tốt, đó là định hướng từ đầu, chúng tôi kiên quyết làm được. Thứ hai là giá hợp lý, bằng chiến lược cho thuê pin thì giảm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu cho khách hàng. Thứ ba là dịch vụ hậu mãi thật tốt. Về chiến lược quảng bá thương hiệu VinFast trực tiếp mang xe đến triển lãm và tổ chức các sự kiện cho người dùng tận tay trải nghiệm”.
Nhận định về lộ trình phát triển ôtô điện tại Việt Nam, một đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng: “Bản thân VAMA cũng đã phải điều chỉnh lộ trình điện hóa, sớm hơn so với dự định. So với Liên minh châu Âu, lộ trình của Việt Nam chậm hơn nhưng phù hợp với hoàn cảnh và tình hình thực tế”. Còn theo ông Đàm Hoàng Phúc (PGS.TS. Đại học Bách khoa Hà Nội), với tình hình công nghệ, kỹ thuật trên thế giới hiện nay, nếu Việt Nam chuyển đổi thì hoàn toàn có thể làm được; thách thức còn lại là về mặt tài chính, thói quen người sử dụng, hạ tầng trạm sạc.
Cơ hội và thách thức cho công nghiệp ôtô điện từ năm 2023 trở đi
Với thị trường và ngành công nghiệp ô tô điện thế giới, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), doanh số bán ôtô điện (EV) dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022 trên toàn cầu, dự đoán là 10,6 triệu xe, tăng trưởng 57% so với năm 2021, gồm xe BEV đạt 8 triệu chiếc và PHEV là 2,6 triệu. Cùng với nhu cầu phát triển xe điện trong một thập kỷ tới, các công nghệ phụ trợ như sản xuất pin, chất bán dẫn và cơ sở hạ tầng cần được phát triển tương xứng hơn nữa. Trong đó pin lithium-ion là loại phổ biến nhất được sử dụng trên xe điện đã trở thành nhân tố quan trọng, do dó việc mở rộng quy mô sản xuất lithium (dự kiến sẽ tăng gấp 7 lần từ năm 2020 đến 2030) là một thách thức lớn trong thời điểm hiện tại.
Công ty VinES và Gotion 18/11/2022 tổ chức lễ động thổ nhà máy pin LFP
Trở ngại rất lớn khác đó là xây dựng các trạm sạc, điều này cần một chiến lược đầu tư mạnh mẽ từ chính phủ, vốn là bài toán khó mà các nước lớn cũng đang đau đầu giải quyết, bởi các lợi ích không chỉ dành cho nhà sản xuất mà còn phải cho nhà nước (như doanh thu bán điện, an toàn mạng lưới điện - phòng chống quá tải). Tuy nhiên việc xây dựng mạng lưới trạm sạc chọn sử dụng quỹ cá nhân để đầu tư hay áp dụng mô hình liên doanh kiểu chính phủ tài trợ cho các nhà sản xuất lớn (như Tesla,Volkwagen…) sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố chính trị hơn là thị trường. Ngoài ra còn có yếu tố nguyên liệu đầu vào trong việc đầu tư sản xuất pin hay cơ sở hạ tầng. Cũng theo IEA, giá nguyên vật liệu của toàn ngành ôtô đã không ngừng tăng lên, như năm 2021 giá thép tăng tới 100%, nhôm tăng khoảng 70% và đồng tăng hơn 33%. Riêng với ôtô điện, giá nguyên liệu cần để sản xuất pin lithium năm 2021 tăng 150% so với cùng kỳ năm trước, than chì tăng 15% và niken tăng 25%.
Ổ cắm sạc điện trên xe Mercedes-EQ EQS 580 4MATIC 2022
Cuộc cách mạng ôtô điện thành công sớm hay muộn cũng phụ thuộc vào việc hợp tác chuyển giao công nghệ, vận hành cung cấp nguyên liệu và linh kiện giữa các nước cũng như sự liên minh ở tầm quốc gia có bền vững hay không, nhằm phát huy điểm mạnh của các nước và hạn chế tranh chấp trong quá trình khai thác các nguồn năng lượng mới.
Nội thất xe điện Mercedes-EQ EQS 580 4MATIC 2022
Trong ngành công nghiệp phụ trợ, Trung Quốc một lần nữa là tên tuổi đáng chú ý. Bên cạnh các nhà sản xuất ôtô, các công ty Trung Quốc khác trong chuỗi công nghiệp NEV (xe nhiên liệu mới) đã nỗ lực “quốc tế hoá” một cách mạnh mẽ. Cụ thể, CATL, công ty hàng đầu thế giới về phát triển và sản xuất pin lithium-ion, gần đây đã khởi xướng dự án xây dựng một nhà máy ở Hungary, với khoản đầu tư 7,34 tỷ euro (7,15 tỷ USD) và cũng công bố sẽ thành lập nhà máy đầu tiên tại châu Âu ở Đức. Một lần nữa kỷ nguyên xe điện có vẻ là thời của phương Đông khi chứng kiến Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cạnh tranh.
Nội thất xe điện VinFast VF 6
Tất cả yếu tố trên đã và đang tác động tới quá trình phát triển ôtô điện tại Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình phát triển ôtô điện là xu thế không thể đảo ngược, vì mục tiêu gìn giữ môi trường sống trong lành lâu dài. Nền Việt Nam đang trên đà phát triển, thu nhập người dân ngày càng tăng nên nhu cầu mua sắm ôtô của người dân vẫn có tiềm năng rất lớn. Tỷ lệ xe/đầu người của Việt Nam còn rất thấp so với khu vực Đông Nam Á và thế giới. Theo thống kê từ Seasia năm 2021, Việt Nam đứng vị trí gần cuối bảng với tỷ lệ 23 xe/1000 người dân. Điều này dẫn đến hy vọng sự chuyển đổi xe điện sẽ thành công vì có đầu ra rất lớn. Ngoài ra, giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì người dân sẽ tự động chuyển hướng sang dùng xe điện. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh doanh số xe điện tại Việt Nam còn nhiều khó khăn như: tăng số lượng trạm sạc, tạo điều kiện cho người dân ở chung cư hay các tầng hầm có điều kiện sạc pin dễ dàng…