Những công nghệ giúp hình thành xe tự lái

Tự tìm và đánh xe vào chỗ đỗ mà không cần người lái đụng tay? Tính năng hấp dẫn này thực tế mới chỉ là một trong những công nghệ tiên tiến sắp dược áp dụng cho ôtô, trong quá trình tiến tới sản xuất ra những chiếc xe có thể tự lái.

Kết nối trong xe
 
 
Ngày nay, nhiều xe hơi đã được trang bị những công nghệ kết nối mới với hệ thống mạng wi-fi phủ sóng trong xe cùng một loạt những ứng dụng di động quen thuộc. Theo đó, thay vì phải bật kết nối mạng trên chiếc smartphone để kiểm tra các bình luận trên Facebook, các lái xe có thể bật ứng dụng kết nối trong xe, lựa chọn các kênh giải trí như đài phát thanh để nghe những bản tin thời sự hay những bản nhạc du dương. Một số mẫu xe Mercedes hay BMW ở Việt Nam hiện cũng được trang bị kết nối mạng Internet. Nhưng đi xa hơn nữa, kết nối liên tục sẽ được chính chiếc xe sử dụng để truy cập bản đồ, tìm đường tránh hay đặt trước chỗ đậu xe.
 
Hệ thống định vị thế thệ mới
 
 
Hệ thống định vị thời gian giao thông thực đã được áp dụng vài trong những năm gần đây tại một số quốc gia trên thế giới và được đánh giá là một trong những bước tiến đột phá trong lĩnh vực công nghệ giao thông nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn do lượng xe quá tải. Tuy nhiên, điều đáng nói là tắc đường vẫn là nỗi ám ảnh đeo bám các tài xế khi lượng phương tiện đổ ra đường vẫn đang ngày càng tăng nhanh. Giải pháp cho các lái xe là một hệ thống định vị thế hệ mới thông minh hơn với khả năng cung cấp thông tin về lưu lượng xe trên đường phố, từ đó giúp người điều khiển xe lựa chọn tuyến đường “dễ thở” hơn để có thể tiết kiệm thời gian di chuyển.
 
Ngoài ra, hệ thống định vị thông minh này còn cung cấp cho lái xe những thông tin về tình hình thời tiết diễn ra trên suốt hành trình. Và một khi cơ sở hạ tầng kết nối thông tin trực tiếp với xe hơi được thiết lập thì chiếc “xế cưng” sẽ trở thành tai mắt thông báo tất cả những thông tin liên quan đến tuyến đường lựa chọn, từ tình trạng ùn tắc giao thông đến những đoạn đường bị ngập úng vì mưa lớn.
 
Công nghệ “né” đèn đỏ
 
 
Đối với những lái xe tại các thành phố lớn, các ngã tư với đèn tín hiệu là một trong những điều khó chịu nhất. Tuy nhiên, công nghệ hỗ trợ cảnh báo đèn giao thông của Audi sẽ sớm giúp giải tỏa những phiền muộn trên. Theo đó, công nghệ mới của Audi mang tên Traffic Light Assist sử dụng hệ thống thông tin của mạng lưới đèn tín hiệu giao thông tại các thành phố, kết hợp với GPS trên xe để xác định được cột đèn giao thông tiếp theo mà xe gặp phải. Với công nghệ này, lái xe sẽ biết được chính xác khi nào hệ thống đèn giao thông ở các ngã ba, ngã tư đường tiếp theo sẽ chuyển sang màu đỏ, đồng thời đếm ngược thời gian đèn giao thông sẽ dịch chuyển từ đỏ sang xanh.
 
Sau Audi, Honda cũng vừa công bố kế hoạch thử nghiệm công nghệ tương tự, sử dụng thông tin từ mạng lưới cảnh báo bằng hồng ngoại từ hệ thống quản lý giao thông Universal thông minh được lắp đặt tại các nút giao thông ở Nhật Bản. Trong trường hợp vẫn đủ thời gian để đi qua giao lộ trước khi đèn xanh tắt, công nghệ này sẽ hiển thị tốc độ mà người lái xe cần phải đi. Ngược lại, nếu xác định phải dừng lại chờ đèn đỏ, hệ thống sẽ thông báo để tài xế giảm tốc độ.
 
Xe tự tìm chỗ đỗ
 
Hồi tháng 3/2014, hãng xe đến từ Thụy Điển Volvo vừa hoàn thành một dự án nghiên cứu kiểm tra hiệu quả của hệ thống nam châm cho phép những chiếc xe tự lái trong tương lai có thể xác định vị trí đỗ xe một cách nhanh chóng và đơn giản hơn. Dự án sử dụng những miếng nam châm có kích thước 40x15mm, gắn bên dưới mặt đường khoảng 200mm. Trong khi đó, chiếc xe tự lái được trang bị cảm biến từ trường có thể phát hiện sự có mặt của những tấm nam châm và tự xác định được vị trí. Volvo tin rằng công nghệ mới sẽ giúp phòng ngừa các vụ va chạm và tiết kiệm được không gian vì người ta có thể thiết kế những làn xe đẹp hơn.
 
Bên cạnh Volvo, Audi cũng là một hãng khá “hăng hái” trong việc nghiên cứu công nghệ giúp xe ôtô tự tìm chỗ đậu. Khác với Volvo, công nghệ của Audi sử dụng dữ liệu, kết nối wifi và hệ thống định vị trên xe để thông báo những chỗ trống trên đường phố, thậm chí thời gian mà người dùng có thể đậu xe. Cụ thể, ứng dụng sử dụng dữ liệu giao thông hiện tại và trong quá khứ, từ đó quyết định xe sẽ mất 7 phút để đến địa điểm được đưa ra. Ngoài ra, ứng dụng cũng sẽ dùng dữ liệu tương tự để đưa ra cảnh báo, nhắc nhở tài xế thời điểm cần khởi hành.
 
Đọc cảm xúc người lái
 
 
Các nhà nghiên cứu đến từ các trường kỹ thuật Thụy Sĩ Ecole (EPFL) đã hợp tác với hãng xe Pháp Peugeot phát triển một hệ thống camera nhận diện cảm xúc của lái xe khi tham gia giao thông. Công nghệ này sẽ nhận biết chính xác mức độ căng thẳng, mệt mỏi của lái xe bằng cách đo số lần chớp mắt, rồi cảnh báo lái xe hạn chế tốc độ hoặc cần nghỉ ngơi một lát trước khi bị thiếp đi hoặc trước khi không còn kiểm soát được tay lái do quá tức giận. Rõ ràng, khi bị kích động hay tức giận, lái xe sẽ thiếu tập trung và hung hăng hơn. Và khi đó, tỷ lệ xảy ra các vụ tai nạn giao thông sẽ cao hơn rất nhiều. Hiện tại, công nghệ này mới chỉ dừng lại ở cấp độ thí nghiệm, song EPFL hy vọng nó sớm hoàn thiện để đưa vào áp dụng trong thực tế.
 
Trước Peugeot, Toyota cũng đã thử nghiệm tính năng đọc tâm trạng người lái trên chiếc concept FV2. Đây là một bước tiến rất xa so với tính năng nhận diện dấu hiệu lái xe mệt mỏi đã có trên một số mẫu xe đắt tiền. Trong tương lai không xa, việc một chiếc xe “đọc” nét mặt người điều khiển, dùng công nghệ Siri của Apple để xác nhận hướng đi và sau đó sử dụng Google Map để hướng dẫn chiếc xe tự lái tới địa điểm cần thiết hoàn toàn nằm trong tầm tay các nhà sản xuất.