Biểu tình bạo lực khiến doanh số Toyota ở Trung Quốc giảm hơn 40%

Doanh số của Toyota tại Trung Quốc trong tháng 9 đã giảm tới 40% so với cùng kỳ, cho thấy các công ty Nhật thiệt hại như thế nào khi các cuộc biểu tình đập phá của người Trung Quốc liên quan đến tranh chấp biển đảo xảy ra.

Doanh số bán và cả lượng khách ghé thăm các showroom bán xe Nhật tại Trung Quốc đã tụt giảm mạnh kể từ khi các cuộc biểu tình bạo lực và những lời kêu gọi tẩy chay hàng Nhật của người Trung Quốc lan tỏa khắp lãnh thổ nước này từ giữa tháng 9.
 
Một quản lý cấp cao của Toyota cho biết, trong tháng 9, hãng này chỉ bán được 50.000 xe tại Trung Quốc. Nếu so với con số 86.000 xe của tháng 9/2011 thì mức sụt giảm tương đương gần 42%, và nếu so với tháng trước đó (75.000 xe) thì doanh số của họ cũng giảm hơn 33%.
 
Không chỉ Toyota, Mazda ngày hôm qua cũng thông báo rằng, doanh số bán tại Trung quốc trong tháng 9 đã giảm hơn một phần ba so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Doanh số tụt giảm mạnh như vậy có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận ước đoán của các hãng như Toyota, Nissan và nhiều nhà sản xuất ô tô khác của Nhật, bởi Trung Quốc nay đã trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới, chiếm một tỷ lệ rất lớn trong tổng doanh số bán trên toàn cầu của các hãng xe này.
 
Nhu cầu đối với xe Nhật tụt giảm mạnh vì các cuộc biểu tình và kêu gọi tẩy chay hàng Nhật của người Trung Quốc lại tạo ra mức tăng trưởng ngoài mong đợi cho các hãng xe khác. Hyundai ngày hôm cho biết, doanh số bán của họ tại Trung Quốc tăng tới 15% (lên 84.188 xe) so với tháng 8. Audi cũng tăng 20%, Mercedes-Benz tăng 10%, các biệt BMW tăng tới 55%.
 
Trước đó, vì nhu cầu tụt giảm và lo ngại trước các cuộc biểu tình bạo lực của người Trung Quốc, nhiều hãng xe Nhật Bản tại Trung Quốc như Honda, Nissan, Toyota đã phải đóng cửa nhà máy hoặc giảm sản lượng. Một nguồn tin từ Toyota được Reuters trích dẫn lại cho biết, kế hoạch cắt giảm sản lượng của hãng xe này có thể sẽ kéo dài sang tận tháng 11, và điều này có thể khiến cho mục tiêu doanh số bán đạt 1 triệu xe tại Trung Quốc trong năm nay. “Đến lúc này tôi có thể nói, đó là điều không thể”, một lãnh đạo của Toyota cho biết và đổ lỗi cho làn sóng tẩy chay hàng Nhật đang dâng tràn tại Trung Quốc.
 
Làn sóng tẩy chay và biểu tình tại Trung Quốc diễn ra vào tháng trước sau khi Nhật Bản tuyên bố mua lại một nhóm các hòn đảo không có người sống, thuộc quần đảo Senkaku (Điếu Ngư trong tiếng Trung Quốc). Đây là các hòn đảo nằm trong tầm kiểm soát của Nhật từ năm 1985, và vùng biển xung quanh các hòn đảo này được cho là có trữ lượng khí đốt lớn.
 
Biểu tình bùng phát thành bạo lực thể hiện qua các cuộc đập phá ô tô, thậm chí cả một đại lý của Toyota ở thành phố Thanh Đảo bị phóng hỏa, cùng với nhiều tài sản của các công ty Nhật bị phá hoại, đã tạo ra cuộc xung đột gay gắt nhất giữa hai nước kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Trong khi các hãng ô tô của Nhật phải hứng chịu những thiệt hại hữu hình rõ ràng, thì nhiều lĩnh vực kinh doanh khác của Nhật Bản tại Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng không kém. Hãng hàng không All Nippon Airways cuối tháng 9 vừa qua cho biết rằng họ cũng đã phải đối mặt với làn sóng hủy chuyến bay chặng Nhật Bản – Trung Quốc.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn