Chính sách ôtô 2013: Đi về nơi vô định, tìm một vật vô danh? (P2)

Tiếp đó, môi trường lành mạnh cần thiết cho công nghiệp phụ trợ (CNPT) trong sản xuất ôtô xem ra ngày càng xa vời. Đầu tiên có thể thấy với các loại thuế và phí càng lúc càng gia tăng, thì một thị trường đủ lớn cho người ta đầu tư vào CNPT sản xuất ôtô là không thể có.

Đầu năm 2013 người tiêu dùng Việt Nam đã từng khấp khởi hy vọng rằng quy định mới giảm lệ phí trước bạ ôtô của Bộ Tài chính sẽ được các địa phương sớm triển khai trước tết âm lịch, kịp cho bà con sắm xe du xuân. Nhờ vậy sẽ có một cú kích cầu đầu năm đem lại phấn chấn và sinh khí cho các hãng ôtô năm mới? Chẳng có điều gì tương tự như thế xảy ra ở bất cứ địa phương nào cả. Còn về cam kết của Bộ Giao thông vận tải rằng sau khi triển khai việc thu phí giao thông đường bộ vào ngày 1/1/2013 các trạm thu phí trên các quốc lộ sẽ ngừng hoạt động, thì thực tế đã khẳng định rằng chúng ta về cơ bản khi ra khỏi Hà nội vẫn phải trả phí tại các trạm thu phí giao thông như cũ thôi. Thuế chồng thuế, phí chồng phí nên để nuôi một con xe lúc này là rất đắt đỏ, vượt xa tầm của giới trung lưu.
 
Trong khi đó, việc đầu tư của nước ngoài vào CNPT Việt Nam, điều hết sức cần thiết để có vốn và know-how (bí quyết công nghệ), lại đang chưa mấy hanh thông. Lấy ví dụ các doanh nghiệp Nhật Bản, những người đang nóng lòng rút chân khỏi thị trường Trung quốc để vào các nước ASEAN nơi có giá nhân công rẻ hơn và chính trị an toàn hơn, và họ cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Theo Báo cáo Điều tra tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại dương năm 2012 được JETRO công bố ngày 23/1 cho thấy số vốn FDI của Nhật Bản chảy vào Thái Lan nhiều gấp 2,3 lần số dựán và 2,8 lần tổng số FDI của Nhật vào Việt Nam. Ở Việt Nam 60,2% số doanh nghiệp Nhật Bản có lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2012, thấp hơn tỷ lệ trung bình của ASEAN là 67,5% (Thái Lan là 72,5% và Indonesia là 74,4%). Và thay cho sự lo ngại về cơ sở hạ tầng Việt Nam năm 2011, nay là lo về chi phí nhân công đã tăng gần 20% trong năm 2012. Nói chung, với một thị trường ôtô quá nhỏ của Việt Nam, không nhà đầu tư nước ngoài nào lại quan tâm đầu tư phát triển CNPT cả.
 
Cuối cùng, khi mà hiện nay đã có một nhận thức khá hơn về lực lượng chủ yếu để phát triển CNPT là các doanh nghiệp tư nhân thì“Chưa bao giờ doanh nghiệp lại thiếu một đường hướng rõ ràng cho kế hoạch kinh doanh như năm 2013”. Đây là phát biểu củaông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, trên báo Đầu tư ngày 30/1. Khoảng ba tuần trước đó, ngày 7/1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Vậy thì doanh nghiệp chúng ta đang cần gì sau khi đã có những giải pháp tổng thể do nhà nước đưa ra ngay lúc đầu năm?
 
Hoá ra là các doanh nghiệpđang cầnđủ thứ chính sách cụ thể: từ đất đai để xây dựng cơ sở sản xuất, lãi suất phù hợp để tạo vốn, công nhân có tay nghề và ổn định...nhưng trước hết là sự ổn định và minh bạch của các chính sách. Với những phập phù trong định hướng phát triển sản xuất ôtô, thuế và phí, doanh nghiệp đang không xác định nổi mình sẽ làm gì trong năm 2013 hết sức cam go này. Mà từ khi có chính sách lúc đầu năm, thường phải tới quý 3 mới có các hướng dẫn thực hiện. Vậy thì các doanh nghiệp còn có thể làm gì trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại?
 
Và tình hình thực tế hiện nay của CNPT chúng ta là tỷ lệ nộiđịa hoá linh kiện của Việt Nam ở mức 27,9%, thấp hơn mức 47,8% của cả khu vực, 60,8% của Trung quốc, 52,9% của Thái Lan và 43,3% của Indonesia. Các nhà cung cấp nguyên liệu, linh kiện có 45% là doanh nghiệp địa phương, 37% là doanh nghiệp Nhật và 18% là các doanh nghiệp có vốn đầu tưnước ngoài khác. Tỷ lệ nộiđịa hoá trong công nghiệp ôtô còn thấp hơn nữa: chỉ khoảng 10%. Tệ hơn thế là chưa thấy cơ hội để cải thiện tình hình.
 
Như vậy, có thể thấy rằng từđịnh hướng chính sách tổng quát phát triển CNPT,đề ra hai năm trước, để đi tới các chính sách cụ thể và việc thực hiện các chính sách cụ thể ở nước ta hiện nay đang cần tới một khoảng thời gian khá là dài, tính bằng nhiều năm. Có vẻ như là các nhà làm chính sách ở nước ta đến lúc này vẫn chưa nhận thức rõ được nội hàm của phát triển CNPT là gì, trong khi các doanh nghiệp nhà nước, những người vẫn được coi là giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế nước nhà, vẫn chỉ lo vào việc làm ra những sản phẩm theo các dự án có tính giải ngân kinh phí nhà nước cao, như trước, chứ không mấy mặn mà với CNPT.
 
Và cũng bởi vậy nên nếu chính sách công nghiệp ôtô Việt Nam đang cần có sự chuyển hướng sang phát triển CNPT để có thể cung cấp một chiếc xe có giá phù hợp cho người tiêu dùng Việt Nam, thì lúc nàyđây chúng ta phải tự hỏi rằng sự chuyển hướng đó sẽ đi đến nơi nào và những sản phẩm cuối cùng mà chúng ta có thể cung ứngđược trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu đó sẽ được định danh là gi? Và năm 2013 phải bắt đầu từ việc gì?
 
Có câu chuyện cổ tích Nga về chàng hoàng tử, theo lệnh vua cha, phải đi đến nơi vô định, tìm về vật vô danh và đã tìm được một nàng công chúa xinh đẹp và trở về kế vị vua cha. Một kết cục thật là tốt đẹp và có hậu. Nhưng liệu có chuyện cổ tích trong thế kỷ 21 nữa không? Hay chỉ có kết cục tốt đẹp nếu người Việt chúng ta phải lao động cần cù và có định hướng thông minh?
 
Hãyđợi và xem.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn