Công nghiệp ôtô Việt Nam chuyển hướng ‘đi buôn’

Công nghiệp ô tô Việt Nam thất bại sau hơn 20 năm triển khai khiến các hãng xe không đủ kiên nhẫn để chờ đợi các tín hiệu hỗ trợ từ Chính phủ. Thay vào đó, họ chọn con đường mới –giảm sản xuất để tăng nhập khẩu, đặc biệt là theo lộ trình của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) đến năm 2018 thuế suất các dòng xe nhập khẩu sẽ về 0%.

công nghiệp ô tô
Công nghiệp ô tô thất bại, các hãng xe ở Việt Nam chuyển hướng đi buôn để tối đa hóa lợi nhuận
 
Sau một thời gian dậy sóng dư luận về khả năng sẽ rời Việt Nam, hãng xeToyota mới đây lại đưa ra kịch bản chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan hoặc Indonesia với lý do sản lượng tại Việt Nam thấp hơn đi kèm chi phí cao hơn. Hiện hãng xe Nhật Bản này vẫn chưa bày tỏ rõ quan điểm vì nhiều khả năng vẫn muốn chờ những phản hồi từ Chính phủ Việt bởi dù sao thị phần của hãng ở Việt Nam vẫn rất lớn (chiếm hơn 31% thị phần năm 2014).
 
Trong khi đó, nhiều đơn vị sản xuất ô tô khác có thị phần nhỏ hơn đã thẳng thắn nói rõ quan điểm của họ là sẽ nghiêng về nhập khẩu nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ. Thậm chí, một số hãng còn tuyên bố sẽ ngưng lắp ráp và chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn.
 
Đơn cử như Công ty liên doanh Vinastar (chuyên lắp ráp xe Mitsubishi) khẳng định họ sẽ chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc các dòng xe thương hiệu Mitsubishi để bán tại thị trường Việt Nam nhằm hưởng mức thuế suất thấp từ hiệp định AFTA. Tương tự, thương hiệu ôtô lớn của Hàn Quốc Hyundai từng được kỳ vọng sẽ đầu tư nhiều vào Việt Nam mới đây cũng tuyên bố tập trung cho sản xuất tại Malaysia.
 
Suzuki Việt Nam tuy không tiết lộ rõ kế hoạch kinh doanh của mình, song hồi cuối năm ngoái, đơn vị này cũng đã chọn dòng xe bảy chỗ Ertiga nhập khẩu nguyên chiếc từ Ấn Độ làm xe chiến lược để cạnh tranh với các đối thủ khác trong nước.
 
GM Việt Nam hồi tháng 5 cũng tuyên bố sẽ cân nhắc tới kế hoạch chuyển hướng nhập khẩu xe từ nước ngoài về Việt Nam phân phối nếu xe lắp ráp trong nước cao hơn đưa ra từ nước ngoài khi thuế suất nhập khẩu xe từ các nước ASEAN về 0% vào năm 2018.
 
Đơn giản hơn, chỉ cần nhìn vào động thái của các hãng xe trong thời gian qua là đủ thấy được chiến lược của họ khi nhận thấy ngành công nghiệp ô tô nội địa Việt Nam thất bại. Đơn cử như, với 4 mẫu xe moi nhất vừa ra mắt thị trường Việt vào tháng 8 này bao gồm Honda Accord 2015, Ford Ranger 2015, Chevrolet Cruze 2015 và Hyundai Tucson thì có tới 3 mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc.
 
Theo lộ trình Hiệp định AFTA đã được Việt Nam ký, đến năm 2018, xe nhập khẩu từ các nước trong khu vực được hưởng thuế 0% khi vào Việt Nam. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với ngành công nghiệp Việt Nam, hiện vẫn chỉ dừng lại ở việc lắp ráp và cố gắng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Rõ ràng, muốn cạnh tranh với các dòng xe nhập khẩu, xe lắp ráp trong nước buộc phải giảm giá bán. Song, điều này khó khả thi bởi hiện này thuế nhập khẩu linh kiện ở Việt Nam vẫn còn khá cao trong khi những nước khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đều đã hưởng mức thuế 0%. Đó là chưa kể ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn con rất non yếu khiến khả năng giảm giá bán linh kiện là rất khó. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi đa phần các hãng xe chuyển hướng sang nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam phân phối để tối đa hóa lợi nhuận. Khi đó, giấc mộng ô tô Việt lại tiếp tục chìm trong mộng mị.