Đầu năm, ngành ô tô tăng giá chóng mặt

Bước vào năm 2016, với việc thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô,  mẫu xe sang nhập khẩu tăng giá từ hàng trăm triệu tới hàng tỷ đồng, khiến khách hàng không khỏi choáng váng. Có những mẫu xe có mức tăng đến cả tỷ đồng. Không chỉ các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp nội địa, liên doanh cũng bắt đầu lên kế hoạch cho việc điều chỉnh mức giá của từng dòng xe.

Thị trường ô tô tăng giá 1
 
Nghị định 108/2015/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 đã thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô. Quy định mới buộc các DN nhập khẩu phải tính thêm chi phí vận chuyển nội địa, marketing, lợi nhuận... vào giá vốn để tính thuế tiêu thụ đặc biệt đã làm cho giá xe tăng.
 
Ngoài ra, từ ngày 3/12/2015, cơ quan Hải quan cũng đã nâng giá tính thuế nhập khẩu với xe chở người từ 9 chỗ trở xuống, mỗi chiếc tăng hơn vài nghìn USD so với trước. Cùng với đó là tỷ giá ngoại tệ so với nội tệ tăng khiến cho xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng chi phí, cao nhất là với xe sang, vì vậy giá bán bắt buộc phải tăng.
 
Đơn cử như Mercedes-Benz Việt Nam - hãng xe đầu tiên mở màn cho màn tăng giá gây choáng với khách hàng. Theo đó, giá bán mới các dòng xe tăng thấp nhất là 20 triệu đồng, trung bình 150-250 triệu đồng và cao tới 1,28-1,8 tỷ đồng. Mức tăng cao nhất rơi vào các mẫu xe nhập khẩu như AMG GL63 4Matic tăng giá đến 1,28 tỉ đồng (giá mới 8,389 tỉ đồng; giá cũ 7,109 tỉ đồng).
Hay như Porsche Việt Nam cũng đã thực hiện việc tăng giá bán một số dòng xe của mình. Mức tăng giao động từ hơn 100 triệu đồng đến hơn 800 triệu đồng. Thương hiệu đến từ Đức giải thích cho việc tăng giá này đến từ sự chênh lệch giữa tỷ giá chứ chưa thực hiện việc tăng giá do điều chỉnh mức thuế.
 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn nghi ngờ về giá xe tăng quá cao trên thị trường. Phân tích của một chuyên gia tài chính cho thấy, nếu chỉ tính riêng thuế tiêu thụ đặc biệt, theo cách tính của Thông tư 195/2015/TT-BTC (hướng dẫn thi hành Nghị định108/2015/NĐ-CP), do Bộ Tài chính ban hành, thì chi phí với ô tô nhập khẩu có tăng thêm, nhưng không quá cao. Chuyên gia này cho biết, sau khi áp mức tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định mới, chỉ những chiếc xe siêu sang mới có mức tăng thêm từ 200-300 triệu đồng, còn lại đều dưới 100 triệu đồng.
 
Các doanh nghiệp kinh doanh thường chỉ nói đến yếu tố làm chi phí tăng, mà không đề cập đến những yếu tố làm chi phí giảm. Đầu năm 2016, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã giảm. Không tính tới khu vực Asean, với các thị trường khác thuế cũng giảm.
 
Biểu thuế xuất khẩu-Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, từ 1/1/2016 được quy định tại Thông tư số 182/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, ban hàng ngày 16/11/2015, có 8 dòng thuế ô tô được cắt giảm từ 2% đến 4%, theo lộ trình cam kết WTO. Trong đó có xe dung tích xi lanh trên 2.500 cc (mã 8703.23.94), xe bốn bánh chủ động (mã 8703.24.51), xe dung tích xi lanh trên 3.000 cc, SUV và xe thể thao...Với thuế suất thuế nhập khẩu giảm, chắc chắn chi phí nhập khẩu những mẫu xe này cũng giảm.
 
Không chỉ các nhà nhập khẩu thực hiện chiến dịch tăng giá bán. Dù được cho là đối tượng hưởng lợi từ cơ chế tính thuế mới, song trước sự tăng giá bán của hàng loạt dòng xe nhập nguyên chiếc, không ít các doanh nghiệp nội địa, liên doanh không thể ngồi yên mà bắt đầu chuẩn bị cho những kế hoạch điều chỉnh mức giá hợp lý.
 

Toyota Việt Nam cũng cho biết đang gặp khó với các dòng xe có dung tích động cơ lớn khi áp dụng cơ chế tính thuế cùng chính sách tỷ giá mới. Toyota chưa có thông tin cụ thể về mức giá mới cho tất cả dòng xe, kể cả lắp ráp trong nước, song cũng đang cân nhắc các yếu tố đầu vào để ra quyết định tăng giá hay không.
 
Tuy nhiên để cạnh tranh với sự “lớn mạnh” của các thương hiệu xe nhập, rất có thể các doanh nghiệp nội địa, liên doanh sẽ không thực hiện việc tăng giá xe hoặc tăng rất “nhẹ” để giành lợi thế.