Harley-Davidson 500cc giá rẻ buộc phải ra mắt sớm

Triển lãm EICMA (Italy) vốn được biết là sô diễn lớn nhất dành cho xe máy trên thế giới, theo thường lệ tại đây sẽ là nơi các hãng môtô đem đến giới thiệu những mẫu xe tốc độ, đắt tiền, công nghệ và hiện đại nhất hàng năm. Nhưng năm nay, một trong những thông tin dân mê xe háo hức mong đợi nhất lại là việc Harley-Davidson thông báo về dòng xe mới, chỉ có 500cc và giá rẻ.

Dưới "triều đại" của công nghệ và sành điệu ở lĩnh vực môtô, những hãng xe máy phần lớn đều ra sức đua tranh tung ra hàng loạt những “siêu phẩm” đậm nét hiện đại. Nên khi thông tin về việc Harley-Davidson, dòng xe luôn gắn với cái tiếng đắt tiền và chơi nhất trong làng xe lại “hạ giá” bằng sản phẩm dung tích thấp và rẻ tiền đã khiến thị trường khá ngạc nhiên.
 
 
 
Và chỉ vài giờ trước khi Triển lãm xe máy EICMA khai màn, Harley-Davidson đã chính thức công bố về hai mẫu “tiểu” Harley của họ là thật, được sản xuất tại nhà máy lắp ráp xe ở Haryana, Ấn Độ. Mẫu xe này nhái kiểu dáng dòng Sportster nhưng trên bộ khung mới và mang tên Street 500 và Street 750. Đồng nghĩa với việc chính thức Harley-Davidson đã có thêm hai dòng xe dung tích 500cc và 750cc.
 
 
Cả hai mẫu xe này được sản xuất nhắm tới phân khúc khách hàng trẻ trung lưu, ưa di chuyển với phong cách phố, thích chơi Harley nhưng không nhiều tiền. Những thay đổi cơ bản ở Harley Street là kiểu động cơ V-Twin phun xăng điện tử và làm mát bằng chất lỏng (không phải kiểu mát gió). Dòng Street 500cc có công suất 43 mã lực - tốc độ 135km/h, còn mẫu 750cc là 53 mã lực - tốc độ 150km/h. Cả hai mẫu đều dùng hộp số 6 cấp, hệ thống giảm xóc trước sau loại lò xo ống lồng thông thường. Hệ thống phanh đĩa cả trước sau, Street được lắp lốp MRF cỡ 90/90-17 trước và 140/60-17 sau loại rẻ tiền của Michelin, khung xe mảnh và nhẹ, ghi đông rộng và vểnh cao hơn thông thường.
 
 
Tuy nhiên thông tin quan trọng nhất mà ông Matt Levatich – Giám đốc Harley-Davidson đã nói chính là việc cả hai mẫu Street 750 và Street 500 được sản xuất với những thay đổi và vật liệu “tiết chế” hơn nhằm hạ giá thành, không đồng nghĩa với việc hạ “giá” thương hiệu. Còn Mark-Hans Richer, Phó chủ tịch Harley-Davidson, nhấn mạnh rằng: “Dù nó mới lạ nhưng vẫn là những chiếc Harley làm từ thép thật. Dòng Street được tạo ra để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu phổ thông ở thị trường Ấn Độ và Đông Nam Á”. Mức giá của Harley-Davidson Street 500 và Street 750 được ước định chỉ từ 400 đến 500 nghìn Rupee (khoảng 6.500 USD đến 8.000 USD).
 
 
Xét theo khía cạnh thị trường, theo truyền thống Harley vốn không bao giờ màng tới việc sản xuất xe máy với dung tích dưới 800cc. Ngay cả dòng Harley-Davidson Sportster 883 thuộc loại yếu nhất của họ cũng có dung tích 883cc và giá bán hơn 8.000 USD. Nhưng khi thị trường của dòng xe này bắt đầu lấn sang các nước thuộc khu vực châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, Harley đã phải cho ra mắt dòng xe chỉ 500cc với những thay đổi cơ bản về công nghệ để “chiều lòng” nhu cầu bình dân! Vậy lí do nào khiến hãng xe huyền thoại này lại “đẻ” ra thứ môtô này? Mà theo dự đoán thì có khả năng Street khó mà giữ được tiếng nổ “hồ lề” đặc trưng của hãng.
 
 
Thực ra là hoàn toàn có cơ sở, bởi thị trường Ấn Độ hiện được đánh giá là vùng tiêu thụ xe máy lớn nhất thế giới, phụ thuộc vào dân số và đặc điểm tiêu dùng, chính sách, không như Trung Quốc đã đi theo hướng hạn chế xe 2 bánh triệt để. Tuy nhiên tại Ấn, hầu hết mọi dòng xe 2 bánh thường có động cơ khoảng 200cc và cạnh tranh về giá khốc liệt, Ấn Độ hiện cũng đã rất nổi tiếng với “thương hiệu” xe giá rẻ. Và một mệnh đề với hầu hết các hãng xe từ xe máy tới ôtô khi vào đây làm ăn, đều phải trưng ra một dòng xe giá rẻ nếu muốn “sống sót”. Cho nên Harley-Davidson dù có danh tiếng đến đâu cũng không phải ngoại lệ, buộc phải tuân thủ luật làng là điều đương nhiên. Điều đó cho thấy nếu điều khiển được đặc điểm tiêu dùng, cũng đồng nghĩa với quyền chi phối doanh nghiệp, hoặc ngược lại. Chỉ khác biệt là nhà quản lý muốn thế nào, làm lợi cho cá nhân và hãng hay làm lợi cho dân và xã hội.. hoặc dung hòa cả 3 nhu cầu.
 
 
Có thể nói đây là một trong những ví dụ điển hình của bài toán định hướng sản phẩm khi thâm nhập thị trường mới. Tại Việt Nam, các hãng xe cũng không là ngoại lệ, họ cũng rất “đau đầu” khi định hướng cho sản phẩm mới. Chỉ khác biệt duy nhất và cũng có lẽ là độc nhất trên thế giới là hầu hết đều định hướng để đem tới những sản phẩm đắt tiền hơn, ít trang thiết bị hơn và lãi hơn! Dĩ nhiên không phải là người tiêu dùng không biết, hoặc sẽ có người nói cho họ biết! Nhưng xe cộ ở đây đã bị “đóng khung” như một dạng “thu nhập”, chứ không phải là một phương tiện hay công cụ sản xuất. Và người dân không được phép đòi hỏi gì hơn, họ chỉ có thể lựa chọn nhiều nhất với sản phẩm của hãng nào biết đưa ra thứ “lợi” nhất trong cái định hướng sản phẩm nêu trên.
 
 
Quay trở lại vấn đề của Harley-Davidson với Việt Nam, đã phong thanh thông tin về sự gia nhập thị trường trong thời gian tới, một động thái ăn theo làn sóng các thương hiệu xe máy như Ducati, KTM, Yamaha, Benelli, Moto Guzzi ở phân khúc xe phân khối lớn. Không biết rằng liệu với định hướng thị trường như Harley-Davidson đã tuyên bố, họ có mang Street 500cc tới Việt Nam? Nếu có, thì đây sẽ là một đòn cạnh tranh khó đỡ với các đối thủ. Bởi một chiếc Harley-Davidson nhập khẩu trước đây có giá không dưới 30.000 USD, chưa kể uy tín và phong trào chơi “hắc lây” tại Việt Nam xưa nay chưa có hội chơi xe nào vượt mặt.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn