Năm 2013 Honda bán xe máy gấp hơn 30 lần Suzuki ở Việt Nam

Trong lễ ra mắt Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) hôm 19/2, lần đầu tiên các hãng xe máy công khai trước các đối thủ sản lượng tiêu thụ trong năm 2013.

Theo VAMM, Việt Nam đang là thị trường xe máy lớn thứ 4 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Thống kê cho thấy, tổng sản lượng bán hàng của toàn ngành năm 2013 đạt khoảng 2,8 triệu chiếc. Trong đó, Honda Việt Nam chiếm thị phần áp đảo với 1,87 triệu xe bán ra, Yamaha đứng thứ hai với 731.200 chiếc, SYM đạt 82.000 chiếc, Piaggio đạt hơn 56.300 chiếc và Suzuki đạt 50.500 chiếc. Tổng cộng 5 nhà sản xuất này chiếm hơn 90% thị phần trong nước.
 
Số liệu báo cáo của Hiệp hội ôtô xe máy Đông Nam Á (AAF) cho biết, sản lượng và tiêu thụ của Indonesia vẫn đứng đầu khu vực trong năm 2013 với 7,78 triệu xe sản xuất và tiêu thụ 7,771 triệu xe. Việt Nam đứng thứ hai với 2,8 triệu xe (trên tổng năng lực 5 triệu chiếc/năm); Thái Lan xếp thứ ba với khoảng 2 triệu xe được tiêu thụ; tiếp theo là Philippines (752 nghìn xe); Malaysia (546 nghìn xe) và Singapore (11,65 nghìn xe).
 
Ông Masayuki Igarashi, Tổng giám đốc Honda Việt Nam
 
Tuy nhiên, năm 2013 lượng xe máy tiêu thụ tại Việt Nam đã giảm năm thứ hai liên tiếp, và có thể còn giảm nữa trong năm nay. Đồng thời, năng lực sản xuất của tất cả các hãng đã ở mức 5 triệu chiếc, gấp rưỡi con số bán được.
 
Đối với ý kiến cho rằng thị trường xe máy trong nước đã mức bão hòa, ông Masayuki Igarashi, Chủ tịch VAMM đồng thời là Tổng giám đốc Honda Việt Nam, cho rằng xe máy vẫn là ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, đóng góp 3,5% GDP, do đó cần được sự hỗ trợ thích đáng. “Nếu Việt Nam áp dụng cấm xe máy ở nội thành, chúng tôi buộc phải nghiên cứu các sản phẩm có chất lượng phù hợp với thị trường ở nông thôn”, ông Igarashi chia sẻ.
 
Ông Masaru Ono – Tổng giám đốc Yamaha Motor Việt Nam

Trả lời phóng viên Songmoi.vn về môi trường đầu tư ở Việt Nam, ông Masaru Ono – Tổng giám đốc Yamaha Motor Việt Nam - cho biết: “Môi trường đầu tư xe máy ở Việt Nam hiện khá tốt với lợi thế là nhân lực dồi dào, trình độ người lao động cao đi kèm giá nhân công rẻ hơn so với Thái Lan và Indonesia”. Tuy nhiên ông Ono nhận định trong tương lai Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Myanmar – nơi được đánh giá là thị trường mới với nhân công rẻ hơn. Một khó khăn khác với Yamaha Việt Nam và các công ty khác là vẫn phải nhập nguồn nguyên liệu chất lượng cao.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn