Trung Quốc nhập khẩu chất xám, tham vọng cạnh tranh toàn cầu

Sự “vụng về” của các thương hiệu xe hơi Trung Quốc thường bị coi là trò cười trong các triển lãm ôtô. Họ sở hữu những nhà thiết trẻ tuổi thậm chí còn chưa có bằng lái xe. Tuy nhiên, các hãng này đang dần thay đổi chiến thuật bằng cách thu hút nhân tài nước ngoài để phục vụ cho các dự án trong tương lai.

 
“Vài năm trước, xe Trung Quốc chỉ là một “trò đùa” nhưng thực tế đã có nhiều thay đổi” - James Hope, người được thuê làm giám đốc thiết kế cách đây gần 3 năm tại Chery Automobile, cho biết. Trong khi đó, một đối thủ của hãng là Zhejiang Geely Holding Group cũng có chiến lược tương tự khi mời cựu chiến binh Peter Horbury dẫn dắt đội ngũ thiết kế toàn cầu vào năm 2011. Năm ngoái, hãng cũng “dụ dỗ” được Guy Burgoyne từ GM sang phụ trách một cơ sở ở Thượng Hải.
 
Guy Burgoyne của Geely cho biết: “Hai năm trước, Geely không có một đôi ngũ chuyên nghiệp nên phải mua thiết kế như một thứ hàng hóa. Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng để sử dụng nhân tài”.
 
Geely có 100 nhân viên làm việc tại trung tâm thiết kế chính của hãng ở Thượng Hải, trong số đó có 18 người nước ngoài, bao gồm Burgoyne, người Anh. Trong khi đó, phòng thiết kế của Chery cũng có 5 người nước ngoài. Đây chỉ là những con số không đáng kể so với các hãng xe lớn trên toàn cầu, nơi một nửa số nhà thiết kế đến từ các nước khác. Tuy nhiên, đối với một thương hiệu Trung Quốc, thì “nhập khẩu” nhân tài lại là một hiện tượng bất thường và được cho là cần thiết khi các hãng xe nước này đang nuôi tham vọng cạnh tranh trên toàn cầu.
 
Tại triển lãm ôtô Bắc Kinh diễn ra trong năm nay, Chery đã thể hiện một hướng thiết kế mới trong chiếc Concept Alpha sedan và Concept Beta compact crossover. Trong khi đó, Geely cũng “trình làng” Emgrand Cross, sản phẩm thứ 2 của trung tâm thiết kế Thượng Hải.
 
Mặc dù vậy, phát biểu tại Diễn đàn ôtô toàn cầu, cả Hope và Burgoyne đều thừa nhận còn rất nhiều khó khăn phía trước. Bên cạnh kinh nghiệm để “biến” một thiết kế đẹp thành sản phẩm hoàn thiện, sự khác biệt về văn hóa cũng là một rào cản. Người Trung Quốc có xu hướng tránh đối đầu. Bởi vậy, “hy sinh” ý kiến cá nhân để theo đám đông có thể sẽ giết chết một thiết kế. Trong khi đó, người nước ngoài thường cởi mở hơn với những thách thức và ý tưởng mới lạ.
 
Hơn nữa, trong khi bán chất xám cho các hãng xe Trung Quốc, các nhà thiết kế nước ngoài cũng mong muốn sẽ học hỏi được thứ gì đó từ đây.  Chẳng hạn, Geely đang phát triển một loại máy lọc không khí mà hãng cho rằng có thể hấp dẫn các tài xế Trung Quốc bất mãn với tình trạng khói bụi bao phủ các thành phố lớn. Burgoyne cho rằng khách hàng ở những nơi khác có thể cũng sẽ thích ý tưởng này.
 
Trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều hãng xe Trung Quốc nuôi tham vọng cạnh tranh trên toàn cầu. Tuy nhiên, chừng nào nạn xe nhái còn chưa chấm dứt, họ khó có thể vươn lên trong ngành công nghiệp ôtô thế giới bởi mãi chỉ là những “thây ma” vật vờ với những thiết kế mang tính chất sao chép là chủ yếu.