VAMA: Đừng thay đổi Thông tư 20

“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu của Thông tư 20 liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng, thông qua hệ thống đại lý ủy quyền chính hãng với mạng lưới rộng khắp toàn quốc và quy trình dịch vụ chuyên nghiệp”, VAMA cho biết.

Ngày hôm qua, 5/9, Hiệp hội các nhà lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA) đã gửi thư tới Bộ Công thương kiến nghị giữ nguyên hiệu lực của Thông tư 20, trước thông tin văn bản này có thể bị sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ hoàn toàn.
 
Hiệp hội này cho rằng ý kiến về việc Thông tư 20 tạo ra sự độc quyền trong ngành công nghiệp ôtô là không đúng. Ngoài một số thành viên vừa lắp ráp vừa nhập khẩu xe về bán, trên thị trường còn có các nhà nhập khẩu xe chính hãng khác là Porsche, Audi, VW, BMW Renault và Citroen. Chỉ có một nhãn hiệu toàn cầu chưa có mặt ở Việt Nam là Peugeot, theo VAMA.
 
Do lượng tiêu thụ ôtô giảm tới 40% so với quãng thời gian đầu năm ngoái, các thành viên VAMA đang liên tục phải khuyến mại bằng cách giảm giá xe, đây là điều khó xảy ra ở một thị trường độc quyền, thư của hiệp hội cho biết. VAMA cũng nhân tiện cho rằng thị trường xe máy Việt Nam hiện nay, với 2 nhà sản xuất (Honda và Yamaha) chiếm tới 80% thị phần và bán hơn 3 triệu xe/năm mới đáng bị xem xét chống độc quyền.
 
Lá thư kiến nghị còn đưa ra các lý do nhận định những công ty nhập khẩu không chính hãng không thể bảo vệ người tiêu dùng. Các công ty nhập khẩu này khó có thể cung cấp bảo hành 3 năm hoặc 100.000km, hay cung cấp dịch vụ trong 10 năm cho một chiếc xe.
 
Các công ty này cũng không tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm và một phần tư trong đó được hiệp hội đánh giá là đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Ngoài ra, trong trường hợp cần thu hồi xe, khách hàng của các công ty nhập khẩu không chính hãng khó có thể được sửa chữa bởi nhân viên kỹ thuật có tay nghề, hay được thay thế bằng phụ tùng chính hãng, VAMA khẳng định.
 
Thông tư 20 của Bộ Công thương được ban hành từ tháng 5/2011, với lý do bảo vệ người tiêu dùng và buộc các nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm bảo hành khi xảy ra sản phẩm bị lỗi. Cho đến nay, mới được hơn một năm, Tổng cục Hải quan, thuộc Bộ Tài chính, lại cho rằng cần tạo cơ chế cho các doanh nghiệp nhỏ được nhập khẩu ôtô, tránh sự độc quyền bởi một số ít doanh nghiệp đủ điều kiện, tránh tình trạng gian lận thương mại thông qua hình thức nhập khẩu ôtô theo đường Việt kiều hồi hương.
 
Nếu bây giờ sửa đổi hay bỏ Thông tư 20, các doanh nghiệp kinh doanh ôtô không chính hãng cũng chẳng tội gì đầu tư lớn cho mệt, cứ được đến đâu hay đến đó là chắc nhất. Còn các doanh nghiệp có giấy phép ủy quyền chính hãng chẳng khác nào bị lừa, bao nhiêu công lao hơn một năm qua thành công cốc hết.
 
Ngay cả đúng đi chăng nữa, thì sửa một văn bản cũng không giải quyết được gì đáng kể. Cần phải sửa tư duy của các nhà làm chính sách, và đừng để chính sách, cụ thể ở đây là lĩnh vực ôtô, tiếp tục bị tác động bởi các nhóm lợi ích.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn