Vietnam AutoExpo vẫn tràn ngập hàng Trung Quốc

Thiếu vắng các hãng xe đang có nhà máy tại Việt Nam như mọi năm, Triển lãm Vietnam AutoExpo 2014 chỉ có hơn 50 doanh nghiệp nội địa nhưng lại trưng bày quá nhiều hàng Trung Quốc.

Triễn lãm Vietnam AutoExpo được tổ chức tại Hà Nội nhằm đưa đến với người tiêu dùng hình ảnh các phương tiện giao thông phù hợp cũng như là nơi tìm kiếm cơ hội hợp tác của ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, thời gian gần đây triển lãm đã kém sôi động trong khi hàng Trung Quốc thì vẫn tràn ngập.
 
Những chiếc xe hơi Trung Quốc đẹp mã giá rẻ sau một thời gian gây nhiễu thị trường Việt Nam cũng đang dần co cụm lại trước những ấn tượng về chất lượng nghèo nàn của những mẫu ‘made in China”. Song các doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm được một con đường khác thông qua việc đẩy mạnh các sản phẩm linh kiện, thiết bị và dòng xe đạp điện đang bị bỏ ngỏ quản lý ở Việt Nam. Phần lớn các sản phẩm từ xe tải, xe ủi, máy điện, xe đạp đến những chi tiết nhỏ nhất như dầu thơm, đồ trang trí chìa khóa, đồ chơi xe hơi… đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó các gian hàng xe đạp điện chiếm vị trí lớn tại khu trưng bày A1. Chính vì vậy, những chiếc ôtô lắp ráp ở Việt Nam thiếu vắng cái hồn người Việt trong đó.
 
Xe đạp điện có nguồn gốc Trung Quốc xuất hiện nhiều tại AutoExpo
 
Tổng công ty Coneco trưng bày những sản phẩm về ôtô chở rác, hút bể phốt, xe cứu hỏa, xe cứu hộ,… cho biết hơn một nửa giá trị đều nhập từ Trung Quốc. Công ty Việt Phát chuyên phụ kiện, đồ chơi xe hơi cũng trưng bày các hàng hóa “made in China”, trong đó có nước thơm chuyên dùng trên xe hơi với kiểu dáng bắt mắt có giá bán khá rẻ. Ngay cả Cao su Sao Vàng vẫn phải nhập hóa chất từ Trung Quốc để sản xuất các loại lốp trong khi chính bộ phận này lại được cho là có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trên các dòng xe của Việt Nam.
 
Một chiếc xe tải Hino (Nhật) hiếm hoi bên cạnh những xe chuyên dụng của Trung Quốc
 
Mặc dù vẫn le lói những doanh nghiệp trưng bày hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa được cho là cao như Vinaxuki với sản phẩm vỏ xe nhưng tỷ lệ cũng chỉ được 39%. Các bộ phận khác cũng chỉ có tỷ lệ nội địa hóa không vượt 10%. Hay những đơn vị như Công ty CP Innitek đem đến trưng bày nhiều chi tiết trong khung, vỏ ôtô sản xuát trong nước nhưng vẫn quá ít so với các chi tiết có hàm lượng kỹ thuật cao đòi hỏi đầu tư lớn.
 
Sự len lỏi tới bành trướng của hàng hóa Trung Quốc tại chính triển lãm AutoExpo đang góp thêm những lo ngại đáng kể. Bởi không chỉ khiến hàng sản xuất trong nước bị ảnh hưởng mà người tiêu dùng cũng phải lo ngại tới chất lượng và tổn hại tới sức khỏe. Đó là thực tế khi mà trong lĩnh vực ôtô, số liệu thống kê cho thấy xe tải Trung Quốc trong 3 năm trở lại đây đang dần tiến tới vị trí dẫn đầu về cả số lượng và giá trị kim ngạch nhập khẩu. Ngoài ra, phụ tùng, phụ kiện Trung Quốc là lựa chọn dễ dàng bởi cái lợi kinh tế, rẻ hơn rất nhiều so với đồ chính hãng. Không phát triển được các ngành công nghiệp phụ trợ khiến cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phụ thuộc đầu vào nhập khẩu với chí phí cao, đẩy giá thành sản xuất lên cao và do đó, giá ôtô sản xuất trong nước bình quân cao gấp từ 1,2 đến 1,8 lần giá xe của các nước trong khu vực. Vẫn biết rằng với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, trong sản xuất lớn, không một nhà sản xuất nào “bao thầu” từ A tới Z cả. Song trong khi tỷ lệ nội địa hóa của Indonesia đạt 75%, Malaysia 80%, và Thái Lan 85% thì Việt Nam cũng chỉ chiếm được khoảng 10% (Một Thế Giới).
 
Theo ông Phạm Anh Tuấn, nguyên thư ký VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô) trao đổi với VnExpress, “công nghiệp ôtô Việt Nam thua bởi đối thủ đã ra đòn còn ta vẫn đang bận nai nịt”.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn