Lái thử Ford Ranger 2022 hoàn toàn mới từ cao tốc vào đường rừng

Ở phiên bản cao cấp nhất (Wildtrak 4x4 AT), Ford Ranger 2022 hoàn toàn mới được trang bị động cơ diesel 2.0 Bi-Turbo, cho cảm giác lái mạnh mẽ nhưng cũng cần kỹ năng lái xe off-road mới vượt qua được những cung đường khó.

Đèn pha ma trận và các cải tiến thực dụng khác

Mẫu xe bán tải Ranger có đèn pha ma trận LED Matrix hiện đại hơn so với các đối thủ, tự động bật tắt và thay đổi góc chiếu sáng khi xe ôm cua. Dải đèn LED chạy ngày hình chữ C dễ nhận biết từ xa, nhưng chóa đèn pha bị chiếm diện tích bởi thanh ngang từ lưới tản nhiệt nên trông nhỏ bé. Hoa văn lưới tản nhiệt lớn bộc lộ vẻ rắn rỏi.

Mặt trước xe chia làm nhiều tầng với nẹp to bản hình chữ H kết nối mặt ca lăng và cản xe, tất cả thể hiện khối rắn chắc. Đây là thiết kế đột phá lạ mắt so với các xe đối thủ

Thùng xe Ranger có dung tích 1.233 lít (lớn nhất phân khúc), có các khe để gắn thanh chia không gian chứa các loại hàng hóa khác nhau. Bổ sung sáu điểm móc đồ trên nắp bảo vệ thành thùng giúp dễ lắp đặt phụ kiện (nắp canopy, giá chở đồ, lều…). Bệ bước chân ở hai bên hốc bánh sau là chi tiết mới so với các xe đối thủ, giúp người sử dụng có điểm tựa khi muốn trèo lên thùng xe. Nhưng lưu ý là bệ bước này có độ đàn hồi khá nhiều khi tôi (nặng 68kg) nhấn chân để trèo vào thùng, tạo cảm giác chưa chắc chắn. Đuôi xe Ranger có các chi tiết tương tự Navara như đường nét vuông vức đơn giản, lộ gầm xe cao, hốc bánh xe lớn. Riêng chóa đèn stop hình chữ nhật kích thước nhỏ hơn Triton và không vát cạnh sắc sảo như Navara. Không có đèn phanh trên cao như Navara.

Phần dưới thân xe hơi “lệch” so với đối thủ, bởi Ranger lắp lốp 255/65R18 nên trông “mảnh khảnh” hơn Triton với bộ lốp 265/60R18. Do Ranger có chiều dài 5.362mm và khoảng cách giữa hai trục bánh xe 3.270mm đều lớn hơn Triton lần lượt 57mm và 270mm, nên bán kính quay vòng 6,35m cũng lớn hơn 0,45m so với Triton cũng như các xe chung phân khúc. Nhìn tổng quan về mức độ hầm hố, Ranger hơn Triton nhưng kém so với Navara.

Cabin thời trang và giảm ồn ấn tượng

Một trong những điểm nhấn trong khoang xe là bộ ghế bọc da cao cấp với đường chỉ may màu tương phản đẹp mắt, thêu chữ Wildtrak đậm cá tính. Cải tiến đáng giá là chọn lọc vật liệu nội thất tiêu âm công nghệ mới giúp giảm ồn hẳn so với Ranger tiền nhiệm cũng như so với đối thủ. Ranger có cửa gió cho hàng ghế sau, trong khi Triton thay bằng cửa gió trên trần xe, có vẻ làm mát lan tỏa tốt hơn. Ranger chừa khoảng để chân ở hàng ghế sau hẹp hơn Triton nhưng người lớn ngồi vẫn thoải mái.

Mặt táp lô dựng đứng bộc lộ phong cách xe địa hình và vẻ vững chắc hơn thiết kế mặt táp lô nghiêng trên Navara. Màn hình cảm ứng SYNC off-road hiển thị cài đặt khóa lái, khóa vi sai, góc lái, góc nghiêng xe, xem trước hướng tiến của vệt bánh xe. Màn hình này 12inch rộng hơn Triton tới 5inch giúp có góc nhìn thoải mái hơn, tăng độ an toàn khi căn chỉnh xe ở vị trí hẹp.

Bên cạnh đó, nội thất xe còn vài chi tiết cần cải tiến. Ví dụ, màn hình công-tơ-mét 8inch hiển thị LCD toàn bộ tuy nhiên màu sắc chưa đậm đà và sắc nét. Lẫy mở cửa gắn chìm trong bệ tay nắm trên táp pi cửa có thể khiến trẻ nặng cân, trẻ có tính hiếu động cao, người già… bấu/kẹp mạnh khiến cửa bật đột ngột.

Động cơ mạnh hơn đối thủ

Ranger Wildtrak trang bị máy dầu 2.0L, công suất tối đa 207 mã lực/3.750 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 500Nm tại tua máy thấp 1.750-2.000 vòng/phút, mạnh hơn so với đối thủ lớn nhất của nó là Mitsubishi Triton phiên bản Athlete (4x4 AT) 26 mã lực và 70Nm trong khi vòng tua máy thấp hơn 750 vòng/phút.

Hộp số tự động 10 cấp so với 6 cấp trên Triton hoặc 7 cấp trên Navara giúp các bước chuyển số của Ranger mượt mà hơn. Hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian với các chế độ gài 1 cầu hoặc 2 cầu chủ động. Hơn thế nữa, Ranger lắp động cơ Bi-Turbo đạt sức kéo mạnh hơn các đối thủ nên các bước chuyển số thấp không cần vòng tua máy cao, thân xe ít bị rung giật. Động cơ vận hành ở tua máy cao 5.000-6.000 vòng/phút trên đường cao tốc nhưng tiếng pô vẫn không ồn ào. Khả năng tăng tốc nhanh hơn Navara Pro4X.

Một cải tiến đáng kể nữa là hệ thống điều hòa không khí mới, sử dụng máy nén khí với công nghệ biến tần, giúp giảm chu kỳ hoạt động của máy nén khí, từ đó giảm tải cho động cơ xe, giúp động cơ hoạt động êm ái và tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Trải nghiệm cách lái chinh phục đường rừng

Cuối tháng 8/2022, cung đường rừng len lỏi quanh hồ Yên Trung ở ngoại thành Uông Bí (Quảng Ninh) trải qua những cơn mưa lớn do ảnh hưởng hoàn lưu bão, tạo nên địa hình off-road hỗn hợp gồm đường nhựa dân sinh, sình lầy, đá tảng, rãnh sâu, dốc nghiêng ngang, dốc dựng cao… nhưng không quá đặc trưng hiểm hóc (ví dụ toàn đồi cát hoặc toàn bãi bùn lầy rộng lớn) nên chúng tôi không chọn một chế độ lái nào trong sáu chế độ lái tùy chọn mới được nâng cấp trên Ranger, mà tăng sự linh hoạt bằng cách chọn chế độ dẫn động 4L (hai cầu chậm), bật chế độ hỗ trợ xe đổ đèo, bật camera phía trước để hỗ trợ căn chỉnh hướng mà bánh xe sẽ lăn tới. Hộp số tự động được chúng tôi cài ở nấc D, không chọn nấc M (chuyển số bán tự động). Lúc này chức năng cân bằng thân xe điện tử (ESP) cũng được tắt. Chúng tôi cũng không cần kích hoạt khóa vi sai cầu sau điện tử.

Trên bệ điều khiển trung tâm của Ranger Wildtrak 2022 hoàn toàn mới vẫn có núm xoay để chọn 3 chế độ gài cầu (2H, 4H và 4L) như các mẫu xe bán tải khác. Muốn chuyển từ các chế độ truyền động khác sang chế độ 4L và ngược lại thì phải dừng hẳn xe, gạt cần số sang nấc N (số “mo”). xe Khi xe chạy ở tốc độ hơn 80km/h vẫn chuyển đổi được giữa chế độ 4H (dẫn động bốn bánh toàn thời gian) và chế độ dẫn động cầu sau (2H).

Đường trơn trượt nhưng Ranger ở chế độ gài cầu 4H hoặc 4L đều chạy được hơn 60km/h. Đây là vận tốc nhanh so với một số xe cùng loại có tính năng gài cầu tương tự nhưng bị giới hạn tốc độ, dưới 30km/h chẳng hạn. Ở vận tốc này, trên đường thẳng trơn trượt, thân xe vẫn cân bằng, không mất lái, không chệch khỏi đường.

Đường nghiêng ngang 35 độ xe tiếp tục lăn bánh an toàn mà không cần chọn chế độ lái nào khác, chỉ cần cài chế độ dẫn động 4L

Đối với dốc cao 45 độ, xe vượt qua mạnh mẽ khi chở tổng cộng 5 người lớn. Kỹ năng cần nhớ là phải nhấn đều và giữ nguyên vị trí chân ga, không nhấp nhả khiến bị hụt ga, giảm vòng tua máy đột ngột khiến xe mất sức kéo. Tuy nhiên, có đoạn ngã ba đường rừng kèm khúc cua gắt đồng thời vướng cây thông, chúng tôi buộc phải lùi xe khá nhiều về bên tài, sau đó tiến thẳng xe gần trung tâm lối giao nhau rồi đánh lái gắt để tiếp tục tiến lên, tránh bị cây thông chèn hông xe hoặc bánh xe bị mắc kẹt trong rãnh sâu.

Camera 360 hiển thị hình ảnh thực có độ nét hơn so với xe đối thủ, giúp canh bánh xe chính xác hơn. Ranger có góc tiếp cận phía trước tăng thành 30 độ và góc thoát phía sau tăng thành 23 độ, thêm hốc bánh xe to hơn xe đời cũ, giúp xe không mắc kẹt trong những hố/rãnh sâu. Nhờ họng hút gió gắn ở vị trí cao nhất và sâu trong khoang máy, kết hợp gầm cao 235mm (cao hơn 15mm so với Navara), xe có thể lội nước sâu 800mm ở tốc độ 7km/h. Tiếc là cung đường thử không có đoạn nước ngập sâu nên chưa biết khả năng chống thủy kích thực tế.

Còn chút bồng bềnh trên cao tốc

Dù các bộ giảm chấn được đưa ra ngoài, Ranger (không chở hàng trong thùng) vẫn cho cảm giác khá bồng bềnh khi chạy trên đường nhựa có những đoạn gờ mặt đường vênh nhau 1-2cm hoặc khi qua những mố cầu. Kiểu như độ dằn xóc chậm bị triệt tiêu khiến thân xe “chòng chành”. Trong khi Nissan Navara chạy có lúc đằm hơn trong các điều kiện tương đương.

Trên cao tốc, ở chế độ lái ECO (tiết kiệm nhiên liệu), Ranger vượt xe khác an toàn hơn nhờ nút bấm chuyển số bán tự động (+/–) được tích hợp trên nắm đấm số ở bệ trung tâm, chỉ cần dùng một ngón tay cái. Thiết kế này thực tế có phần tiện dụng hơn lẫy chuyển số trên vô lăng của Triton, nhất là với những người thích thao tác sang số như trên xe số sàn. Hộp số tự động thông minh khi linh hoạt nhảy vượt 3 cấp số khi người lái nhấn mạnh chân ga đột ngột. Xe “hiểu” cần tăng tốc nhanh nên không nhảy số tuần tự. Ví dụ, từ vị trí xuất phát, nhấn ga là xe vọt từ số 1 lên số 3. Tương tự, sau khi phanh gấp là xe chuyển từ số 6 về số 3, tạo mô-men xoắn cao để bứt tốc ngay.

Bật chức năng giữ khoảng cách tự động so với xe phía trước (Adaptive Cruise Control). Thao tác khá đơn giản nhưng nhớ trước tiên phải cài chức năng kiểm soát tốc độ (Cruise Control). Tất cả thao tác đều dùng các nút bấm ở bên trái vô lăng. Có bốn lựa chọn khoảng cách với xe phía trước tùy theo vận tốc xe.

Nếu đường vắng, xe chạy nhanh thì nên cài khoảng cách xa nhất (hiển thị bốn vạch trên màn hình đồng hồ công-tơ-mét). Lúc này, người lái buông hẳn chân ga, xe sẽ tự động tăng giảm tốc độ, thậm chí phanh dừng hẳn nếu xe phía trước dừng bánh. Tôi chuyển sang chế độ không cài Adaptive Cruise Control, khi chạy bám đuôi, xe phía trước bất ngờ phanh gấp thì tính năng cảnh báo trước va chạm được kích hoạt, màn hình sau vô lăng nhấp nháy thông báo kèm âm thanh khẩn. Nếu tôi vẫn không đạp phanh thì hệ thống phanh tự động khẩn cấp sẽ hãm tốc độ xe. Tuy nhiên, đừng cố thử, vì hãng khuyến cáo, các tính năng hỗ trợ người lái chỉ mang tính bổ trợ và không thể thay thế sự tập trung điều khiển xe, vì các tính năng này có thể vô tác dụng ở một số tốc độ, điều kiện lái xe, đường sá và thời tiết.

Vô lăng xoay nhẹ tương tự Navara và không nặng như Triton

Thử tính năng cảnh báo chệch làn đường và hỗ trợ duy trì làn đường, tôi nhao lái dần dần một góc khoảng 10 độ, ở tốc độ xe từ 65km/h trở lên như hãng quy định. Lúc này, vô lăng tự động xoay để chỉnh hướng xe chạy đúng làn đường. Nếu người lái buông lỏng tay trên vô lăng khoảng 15 giây thì xe nhắc nhở bằng hình ảnh và âm thanh cảnh báo. Khi lùi xe, tính năng “cảnh báo phương tiện cắt ngang” hoạt động nhạy.

Cần thêm điều kiện thử nhiều tính năng an toàn

So với các xe cùng phân khúc, Ranger hầu như đầy đủ tất cả tính năng hỗ trợ lái xe an toàn như phanh (ABS, EBD, BA), hỗ trợ phanh chủ động DBS, cân bằng thân xe điện tử ESP, kiểm soát lực kéo, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, cảnh báo va chạm và phanh khẩn cấp, hỗ trợ đổ đèo, cảm biến va chạm trước sau, báo động điểm mù… Số lượng 7 túi khí cũng tương đương xe đối thủ. Tuy nhiên, các tính năng như phanh sau va chạm để tránh thêm thiệt hại do va chạm thứ cấp, phanh khi lùi xe gặp vật cản bất ngờ, trợ lực đánh lái tránh va chạm (lần đầu tiên trong phân khúc), hỗ trợ phanh… tiếc là không có điều kiện thực nghiệm trong hành trình lái thử xe lần này. Một điểm cần lưu ý là Ranger không có tính năng chống tăng tốc ngoài ý muốn như Triton, Isuzu D-Max.

Mặc dù gặp khó khăn do tình trạng thiếu linh kiện bán dẫn, Nhà nước nâng tiêu chuẩn khí thải lên Euro 5… nhưng thị trường xe bán tải tại Việt Nam tiếp tục có tiềm năng phát triển do nhu cầu xe phục vụ vận tải hàng hóa trong nền kinh tế đang phát triển, kết hợp phục vụ mục đích gia đình. Riêng Ford Ranger có lợi thế nhiều năm đạt doanh số cao nhất trong phân khúc tại Việt Nam. Trong đó, phiên bản Wildtrak 2022 hoàn toàn mới là xe lắp ráp trong nước, trong khi các xe đối thủ lại nhập từ Thái Lan, địa chỉ được nhiều người Việt tin cậy về chất lượng sản xuất xe hơn. Với giá bán 965 triệu đồng, Ranger Wildtrak hầu như không giảm sức cạnh tranh với các đối thủ cũng ở phiên bản cao cấp nhất như Nissan Navara Pro4X (970 triệu), Mazda BT-50 Premium (849 triệu), Mitsubishi Triton Athlete (885 triệu), Isuzu D-Max Type Z (840 triệu). Tuy nhiên, lợi thế này có thể biến mất nếu các đại lý Ford Việt Nam vẫn bán hàng theo kiểu “bia kèm lạc” như thời gian vừa qua.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn