Bộ trưởng Thăng ủng hộ Uber nếu hoạt động theo các luật định

Tại buổi làm việc với Uber diễn ra vào chiều ngày 22/12, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết Bộ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ Uber để kinh doanh vận tải nhưng phải tuân thủ các quy định.

Bộ trưởng Thăng chủ trì cuộc họp ngày 22/12 Ảnh: Soha
Bộ trưởng cho biết các văn bản quy phạm pháp luật và Hiến pháp Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nghiệp kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Bộ quản lý hoạt động kinh doanh vận tải chứ không quản lý Uber. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp vận tải sử dụng dịch vụ của Uber, họ phải đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật.
 
Ông cũng giao cho Vụ Vận tải gửi công văn, yêu cầu Uber chỉ ký kết hợp đồng với những doanh nghiệp đã có giấy phép kinh doanh vận tải, đồng thời thực hiện đầy dủ các quy định về con người, phương tiện và các quy định nêu ra trong Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Ngoài ra, Thanh tra Bộ cũng được giao nhiệm vụ kiểm tra định kỳ và đột xuất các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ Uber. Các công ty thực hiện không đúng luật sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
 
Đại diện Uber không cung cấp danh sách các đơn vị hợp tác nhưng tuyên bố chỉ làm việc với những doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng không đồng tình với việc này. Ông cho biết đã đi thử 10 chuyến taxi Uber nhưng cả 10 đều không đáp ứng được những quy định về kinh doanh vận tải, bao gồm không niêm yết giá cước và không có phù hiệu.
 
Trong khi đó, Giám đốc chính sách của Uber tại châu Á – Thái Bình Dương cũng cho rằng Uber không có ý định trốn thuế hay vi phạm pháp luật mà chỉ muốn thảo luận với các cơ quan thuế để tại cơ sở pháp lý hoạt động.
 
Trong thời gian qua, Uber đã gặp phải không ít khó khăn từ phía các cơ quan quản lý ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới với những nguyên nhân như trốn thuế hay cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp vận tải khác đang tuân thủ các quy định của pháp luật. Mới đây, dịch vụ taxi kiểu mới này cũng đang vướng phải những rắc rối về pháp lý ở Đài Loan và thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc liên quan đến các khiếu nại cho rằng tài xế của hãng không được cấp phép.
 
Theo Reuters, trước đó, Uber cũng gặp phải những rắc rối tương tự tại Thái Lan và Tây Ban Nha. Một cuộc điều tra tại Trùng Khánh, đánh dấu lần đầu tiên tính hợp pháp của Uber bị đặt câu hỏi tại đây. Sự việc xuất hiện chưa đầy một tuần sau khi Uber dành được đầu tư từ Baidu, một hãng internet của Trung Quốc.
 
Ở thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông vận tải Đài Loan cho biết Uber được cấp phép để cung cấp thông tin dịch vụ chứ không phải vận chuyển hành khách nên đang xem cân nhắc việc chặn truy cập vào trang web và các ứng dụng của Uber. Trong cùng ngày, Chính quyền Trùng Khánh cũng tuyên bố sẽ điều tra tính hợp pháp của mô hình kinh doanh mà Uber sử dụng. Các tài xế tư nhân hoạt động không giấy phép sẽ bị coi là hành vi bất hợp pháp.