Lái xe sau khi uống rượu có thể bị tước bằng lái

Hôm qua, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện nếu lưu thông vào đường cao tốc. Ngoài ra người điều khiển ôtô sẽ bị phạt tiền phạt tiền từ 8-15 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 6 tháng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đến 50 mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở.

Theo đề xuất này thì các mức xử phạt vi phạm hành chính mới sẽ được áp dụng từ ngày 15/3/2015. Trong đó có quy định phạt tiền từ 15-20 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 12 tháng nếu nồng độ cồn trong máu từ 50-80mg/ml hoặc 0,25mg-0,4mg/1lít khí thở đồng thời phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe. Đặc biệt, nếu trong máu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.
 
Với người điều khiển xe máy, phạt tiền từ 4-5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 12 tháng, nếu trong máu có nồng độ cồn từ 50-80mg/ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/1lít khí thở. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1lít khí thở. Tất cả mọi trường hợp vi phạm đều phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.
 
Cũng trong chiều qua (3/3), tại buổi họp về kiểm soát tải trọng xe (KSTTX), Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng đã chỉ đạo cơ bản kiểm soát được tình trạng xe quá tải ngay trong năm 2015. Bộ trưởng đồng ý với đề xuất chỉ xử phạt vi phạm về tổng tải trọng còn việc xử lý tải trọng trục cần có lộ trình như vậy tạm thời sẽ không xử phạt theo tải trọng trục nữa. Ông yêu cầu xử lý nghiêm 4 tác nhân chính gây ra tình trạng quá tải bao gồm: chủ hàng, xếp dỡ, chủ phương tiện, lái xe và siết chặt kiểm tra tại nơi xếp hàng. Cùng với việc rà soát, nâng cao mức xử phạt, trong đó có phạt lũy tiến căn cứ vào nơi xuất phát để tính cây số. Đối với vấn đề hạ tải, Bộ trưởng cho rằng không bắt buộc phải làm bãi hạ tải, mà có thể xử phạt rồi yêu cầu xe quay đầu. Với hành vi chở hàng vượt tải trên 150%, đối với người điều khiển phương tiện sẽ phạt tiền 25 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 12 tháng, thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.
 
Tình trạng lái xe sau khi bị phát hiện vi phạm đã chống đối bằng cách đóng cửa xe bỏ đi đang diễn ra phổ biến. Trong trường hợp này lực lượng chức năng sẽ khóa bánh phương tiện tại chỗ hoặc cẩu, kéo đến nơi tập kết. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện chịu trách nhiệm hoàn toàn về chi phí phát sinh và trông giữ phương tiện cũng như hàng hóa trên xe.
 
Đối với chủ phương tiện có hành vi giao hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm nếu chủ phương tiện là cá nhân phạt tiền 40 triệu đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt. Chủ phương tiện là tổ chức, phạt tiền 80 triệu đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt.
 
Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Vận tải tiếp tục thực hiện kết nối các loại hình vận tải để nâng cao chất lượng vận tải, giảm giá cước vận tải nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Tin tổng hợp

otoxemay.vn