Theo sau iPhone, thị trường giá đỡ điện thoại trên ôtô ‘vào mùa’

“Theo chân” làn sóng iPhone 6 và iPhone 6 Plus cùng đợt tấn công mùa mua sắm cuối năm của các hãng công nghệ, các sản phấm giá đỡ cho điện thoại, máy tính bảng trên ôtô, đặc biệt là tương thích với các sản phẩm của Apple, cũng trở nên sôi động không kém.

Những người có thể sở hữu một chiếc ôtô thì cũng thường sở hữu một chiếc smartphone, máy tính bảng để thuận tiện cho công việc và giải trí. Không có gì khó hiểu khi họ tìm đủ cách để gắn những vật bất ly thân này lên chiếc xe của mình. Có chủ phương tiện thích mày mò tự tìm cách gắn thiết bị lên xe. Nhưng điều này thường tốn khá nhiều thời gian và công sức, do đó, các chủ xe nhìn chung vẫn ra cửa hàng mua một cái giá gắn cho tiện.
 
Dạo qua những cửa hàng chuyên kinh doanh đồ chơi xe hơi trên các phồ Trần Nhật Duật, Trần Khát Chân, Nguyễn Trãi… (Hà Nội), người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua dễ một chiếc giá đỡ điện thoại ưng ý. Bên cạnh các cửa hàng chuyên về đồ chơi ôtô, người mua cũng có thể tìm thấy các sản phẩm nay tại các cửa hàng chuyên về phụ kiện điện thoại.
 
 
 
Giá đỡ kẹp có xuất xứ từ Hàn Quốc có giá 550.000 đồng
 
Về cơ bản, giá đỡ điện thoại thông thường được làm từ nhựa cứng, có trọng lượng nhẹ và có 3 bộ phận chính là: Chân đế gắn với xe, cổ xoay và giá đỡ giữ điện thoại. Thông thường, chân đế gắn với xe thường được kết dính với kính gương chắn gió bằng chân đế hút chân không, hoặc kẹp trên lỗ điều hòa, hay taplo xe nên khá chắc chắn, chịu được lực rung lắc mạnh khi di chuyển trên đường. Việc lắp đặt cũng khá dễ dàng, Đặc biệt đối với chân đế gắn bằng đế hút chân không, người dùng phải đảm bảo rằng mặt kính và mặt giác hút của giá gắn phải sạch sẽ. Cẩn trọng hơn, người dùng có thể sử dụng khăn ướt hoặc kết hợp với nước lau rửa kính để làm sạch vị trí gắn giá đỡ trên kính trước xe cũng như làm sạch phần giác hút của sản phẩm trước khi tiến hành gắn vào kính xe. Bộ phận thứ 2 là cổ xoay giúp cho giá đỡ có thể điều chính hướng theo ý muốn của người sử dụng.
 
 
 
Một chiếc giá đỡ điện thoại kẹp có giá 100.000 đồng
 
Nếu giá đỡ rẻ thường chỉ là một chiếc kẹp giữ lấy thiết bị, còn những loại giá đỡ đắt tiền có thêm tính năng sạc cùng lớp đệm có tác dụng căng cường tính ổn định chắc chắn, đồng thời giúp giảm chấn động cho thiết bị khi xe rung lắc.
 
So với smartphone, máy tính bảng cồng kềnh hơn nên cũng chiếm không gian hơn. Nếu gắn giá đỡ và máy tính bảng ở vị trí cao ngang với tầm nhìn (lắp trên kính) có thể giảm tầm quan sát, tăng điểm mù, gây mất an toàn khi điều khiển xe.
Anh Lê Nam - chủ cửa hàng đồ chơi xe hơi trên phố Trần Khát Chân, Hà Nội - cho biết: Những ngày qua có rất nhiều người đến tìm mua giá đỡ cho điện thoại trên ôtô, có lẽ cũng bởi việc ra mắt điện thoại iPhone 6. Đón dòng xu thế này, cửa hàng anh cũng nhập hàng chục loại giá đỡ với nhiều kiểu dáng và mức giá khác nhau, để tương thích với đủ dạng điện thoại và túi tiền của khách hàng.
 

 
Theo anh Nam, tiêu thụ mạnh nhất là các giá đỡ gắn trên kính chắn gió bằng chân không, bởi sự chắc chắn và giá cũng khá rẻ giao động từ 100-400 nghìn đồng/bộ và có xuất xứ từ Trung Quốc, đối với người có điều kiện hơn, họ thường lựa chọn các giá đỡ có xuất xứ từ Hàn Quốc có giá từ 500-800/bộ nghìn đồng/bộ tùy thương hiệu, những chiếc giá đỡ này thường được lót một lớp đệm nhung ở chân kẹp, để tránh gây trầy xước cho điện thoại. Giá đỡ cho máy tính bảng thậm chí có thể lên đến 1-3 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn có chân đế gắn trực tiếp vào ổ cắm sạc điện thoại trên ôtô, vừa làm giá đỡ, vừa làm sạc cho điện thoại cũng được khá nhiều người dùng lựa chọn.
 
Tuy nhiên, việc giá đỡ được bày bán tràn lan trên thị trường, việc người dùng chọn mua được một sản phẩm phù hợp và đảm bảo chất lượng không phải là điều dễ dàng.
Chị Hồng một khách hàng cho biết: “Mình mua một chiếc giá đỡ điện thoại dùng trên xe ôtô với giá 200.000 đồng, dùng thời gian đầu thì khá chắc chắn, nhưng sau một thời gian sử dụng thì giá đỡ ngày càng lỏng lẻo và rất dễ tuột”. Với mức giá này, có lẽ chị Hồng đã mua phải hàng Trung Quốc, thường có chất lượng kém khi vào Việt Nam.
 
Cách tốt nhất để tránh mua phải hàng trôi nổi, hàng nhái là mua tại những cửa hàng uy tín, trên bao bì sản phẩm có dán tem bảo hành, tem chính hãng, cấc chi tiết trên sản phẩm phải chắc chắn và ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, ngay cả tem kiểm định bây giờ cũng rất dễ mua.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn