Cảnh giác các chiêu trộm cướp xe khó ngờ

Càng gần các dịp nghỉ lễ như 30/4 và 1/5 sắp tới, trộm cướp xe lại rình rập tranh thủ cơ hội “bẫy” các chủ xe mải vui chơi để ra tay.

Cảnh giác các chiêu trộm cướp xe khó ngờ
 
Trung tá Đỗ Thế Chính, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận 1, TP.HCM chia sẻ những kinh nghiệm giúp phòng tránh mất xe hiện nay.
 
Ở các khu dân cư, trộm xe thường ra tay vào sáng sớm hoặc đầu giờ chiều (khoảng 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều) khi mọi người chuẩn bị đi làm hoặc trở về buổi trưa nhưng chưa dắt xe máy vào nhà vì chủ quan người qua lại đông, “xung quanh toàn hàng xóm thôi đâu ngờ...”. Họ vào nghỉ trưa hoặc cơm nước chốc lát, có khi chỉ tạt về nhà cất đồ nhưng quay trở ra thì xe đã mất. Với dạng này, đối tượng thường là người trong khu dân cư hoặc được người trong khu dân cư móc nối, theo dõi trước đó cả một thời gian dài để biết quy luật đi về của nạn nhân, đặc điểm xe… nhằm chọn thời cơ ra tay. Kẻ trộm cướp xe tránh chạy kè kè phía sau chủ xe nên khó phát hiện chúng qua gương chiếu hậu. Điều cần nhớ là không được để xe bừa bãi, khi về tới nơi nếu có công việc gì dù nhỏ cũng luôn luôn dắt xe vào nhà, đến nơi khác như các điểm kinh doanh buôn bán, tiệm tạp hóa... thì phải gửi xe, nhờ người trông coi cẩn thận hoặc khóa xe chắc chắn.
 
Riêng với kẻ gian đột nhập nhà trộm xe, phòng chống bằng cách khi có việc vắng nhà lâu dài (ví dụ bận đi công tác, du lịch...) phải nhờ người thân hoặc hàng xóm đáng tin cậy giúp trông nhà và tránh “rêu rao” kế hoạch đi xa cho người xung quanh nghe thấy.
 
Chị Nguyễn Thanh Tuyền ở đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết: Vụ trộm xe hụt xảy ra ở nhà trọ cũ của tôi vào năm ngoái. Lúc đó tôi và em trai thuê trọ trên đường Nguyễn Xí gần Bến xe Miền Đông (phường 26, quận Bình Thạnh). Đó là căn nhà ba tầng theo dạng căn hộ khép kín, không phải dãy nhà trọ. Trong nhà có hơn 10 người cùng thuê. Vì nhà có hai lớp khóa nên chúng tôi khá yên tâm. Hôm đó tôi đi làm về muộn, về tới nhà thì thấy hai người đàn ông lạ mặt xuất hiện trước cửa, một người ngồi trên xe Air Blade, người còn lại đang dắt một chiếc xe máy ra ngoài. Thấy tôi, người đàn ông còn chào hỏi thân thiện: “Em đi làm về rồi hả? Em vào nhà đi, anh sẽ đóng cửa giùm”. Vì nghĩ là người thân của bạn cùng trọ nên tôi không nghi ngờ gì. Tuy nhiên, sau khi dắt chiếc xe kia ra ngoài, anh ta quay lại dắt chiếc xe mới cóng trong cùng mà không biết rằng đó là xe của em trai tôi. Tôi la lên: “Cướp, cướp”. Hai tên đó quýnh quáng bỏ chạy, còn chỉ vào tôi đe dọa: “Mày nhớ mặt đấy!”. Quả thật, nếu lúc đó hắn dắt xe của người khác tôi cũng không biết được, vì hắn ăn nói rất tự nhiên khiến tôi không nghĩ cướp táo tợn đến như vậy. Sau khi hai tên trộm bỏ đi, chúng tôi mới phát hiện cổng bị phá khóa.
 
Anh Nguyễn Trọng Minh ở đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM kể lại: Ngay giữa trưa nhưng một nhóm thanh niên vẫn trắng trợn chặn xe máy của một cậu sinh viên và đánh tới tấp vào mặt cậu này. Khi thấy người đi đường xúm lại thì bọn chúng phân bua rằng người này mượn xe nhưng không trả nên chúng buộc phải giằng lại. Trong khi cậu sinh viên lúng túng lạc giọng: “Cướp đó! Cướp đó!” đồng thời hoàn cảnh hỗn loạn nên hầu hết người dân ngỡ ngàng và không dám can ngăn vì bọn cướp khá hung hãn. Chỉ đến khi vài người đàn ông cứng rắn thấy chuyện bất bình đanh giọng và lớn tiếng tra xét rõ hơn thì bọn cướp mới đuối lý bỏ đi. Kinh nghiệm trong trường hợp này là người bị nạn phải bình tĩnh, cố hết sức la hét thật lớn, nói to lý do vô cớ bị chặn xe... để thu hút sự chú ý giúp đỡ từ người xung quanh.
 
Bên cạnh đó, người dân khi chạy xe phải phòng ngừa bọn cướp giật chạy bộ. Lợi dụng đường thưa người, người dân dừng đèn đỏ hoặc nghe điện thoại, mua nước giải khát ven lề đường, người dân tâm lý chung thường chỉ canh chừng những người đi xe máy khả nghi bám theo mà mất cảnh giác đối với những kẻ lạ mặt tưởng như chỉ “lững thững” đi bộ nhưng luôn bám theo “con mồi” để vung tay cướp giật nhanh gọn điện thoại, dây chuyền, túi xách... sau đó lập tức chuyền cho đám đồng bọn tẩu tán tài sản khiến nạn nhân không có căn cứ vạch mặt kẻ cướp. Những kẻ này thường đi theo nhóm, thường ít nhất ba người, thậm chí 5-10 người, có khi đối tượng phạm tội là phụ nữ dẫn theo con nhỏ mang theo giỏ xách, trên tay vắt áo khoác để khi gặp “con mồi” thì dùng vật dụng đó ngụy trang.