Cảnh báo sử dụng hệ thống hỗ trợ tài xế khó sửa lại, tốn chi phí

Theo IIHS (The Insurance Institute for Highway Safety - Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc) của Mỹ, các hệ thống trợ giúp lái xe an toàn (như ADAS) khiến các kỹ thuật viên khó khôi phục hoạt động chính xác khi hỏng hóc, thậm chí còn tái trục trặc, gây tốn thêm chi phí cho chủ xe.

Hệ thống hỗ trợ tài xế ADAS gặp trục trặc

Theo IIHS, các hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến ADAS như phanh tự động (thông qua hệ thống cảnh báo va chạm trực diện) hay phát hiện điểm mù để tránh xe bị lệch sang hai bên đã giảm 50% các vụ va chạm từ phía sau. Tuy vậy, công nghệ ADAS vẫn ở giai đoạn sơ khai và IHSS cho biết các hệ thống này phức tạp và tốn kém khi bảo trì, sửa chữa. Khi khảo sát gần 3.000 tài xế, IIHS nhận thấy gần 500 người phải sửa các hệ thống này nhiều lần.

Hệ thống giám sát điểm mù và ngăn ngừa va chạm phía trước phải khắc phục nhiều lần bởi lỗi phát sinh

Trong đó, đáng phàn nàn nhất là hệ thống giám sát điểm mù và ngăn ngừa va chạm phía trước, với lần lượt 59% và 62% chủ xe phải đi lại nhiều lần đến garage do việc khắc phục phải tiến hành nhiều lần bởi lỗi phát sinh. Số lần đi lại càng nhiều hơn nếu hệ thống bị ảnh hưởng do va chạm, điều này cho thấy khó chỉnh sửa lại các hệ thống tiên tiến này sau khi bị tai nạn giao thông. Ngoài ra, thống kê cho thấy việc sửa chữa cơ khí thông thường, không liên quan đôi khi lại dẫn đến các vấn đề với hệ thống ADAS, do đó đòi hỏi chủ xe phải đưa xe đến garage nhiều lần nữa.

Chi phí cũng tốn kém hơn. Chẳng hạn thay thế một kính chắn gió được trang bị camera có thể tốn 1.000 USD trở lên, so với chi phí thay thế kính chắn gió trung bình là 250 USD

Các hạn chế khi muốn sửa hệ thống hỗ trợ tài xế

Trong số gần 3.000 tài xế được khảo sát, có khoảng 16% phải thay thế, ghép nối hoặc hiệu chỉnh lại hệ thống an toàn trên xe của mình. Theo báo cáo của IIHS và Crash Network, các gargage tư nhân cho biết nhà sản xuất không cung cấp đầy đủ tài liệu để sửa lỗi cho các kỹ thuật viên không thuộc đại lý, khiến việc sửa chữa độc lập dễ gặp sự cố hơn.

Trong khi đó, mặc dù các đại lý thường có thiết bị tốt để phục hồi hệ thống ADAS, do đó hơn 50% chủ xe chọn đến đại lý để bảo trì ADAS, tuy nhiên IIHS cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy quy trình sửa chữa không bảo đảm khôi phục đầy đủ chức năng, do thiết bị chẩn đoán đôi khi không thể phát hiện tất cả lỗi.

IIHS cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy quy trình sửa chữa không bảo đảm khôi phục đầy đủ chức năng hỗ trợ lái xe an toàn

Tóm lại, các chức năng hỗ trợ người lái chỉ hiệu quả nếu sử dụng đúng cách và trong các điều kiện thích hợp. Điều cần lưu ý là không có công nghệ nào hoàn hảo và đã có trường hợp các hệ thống này bị lỗi hoặc không hoạt động như dự kiến. Do đó, tài xế phải tập trung lái xe và tự mình đưa ra quyết định cuối cùng, ngay cả khi dựa vào các hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn