Lợi nhuận của General Motor tăng vọt bất chấp doanh số sụt giảm trong thời kỳ thiếu chip toàn cầu

Trong quý đầu tiên năm 2021, General Motor (GM-Nhà sản xuất xe hơi lớn thứ hai thế giới) đã công bố lợi nhuận tăng mạnh mẽ và tuyên bố, họ đang đi đúng hướng để đạt mục tiêu giành “lợi nhuận cả năm cao nhất”, bất chấp tình trạng thiếu chip đang ảnh hưởng khá lớn đến ngành sản xuất ôtô.

Nhà sản xuất ôtô lớn nhất của Mỹ đã công bố khoản thu nhập ròng là 3 tỷ USD, gấp khoảng 10 lần so với thời điểm họ đã từng công bố trong quý I năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng cả thế giới. Hiện tại, doanh thu và doanh số bán xe giảm nhẹ so với năm trước do tình trạng thiếu chip toàn cầu, và các nhà máy, các cửa hàng bán xe tạm đóng cửa do nguồn cung hạn chế. Doanh số bán hàng quốc tế của công ty cũng giảm xuống.
 
Nhưng công ty đã có thể khắc phục tình trạng sụt giảm lượng xe bán ra bằng cách bán nhiều loại xe có lợi nhuận cao hơn. GM đã hoàn thành điều đó bằng cách sử dụng những con chip đang có sẵn để xây dựng các mẫu xe tải và SUV cỡ lớn có lợi nhuận cao hơn. Do nguồn cung xe khan hiếm nên giá thành xe cũng cao hơn, phù hợp với thị trường, đồng thời công ty còn giảm được các phí quảng cáo thu hút người dùng (vì nguồn cung khan hiếm). Chính những yếu tố này đã giúp hãng tăng thêm 3,2 tỷ USD trong khoản lợi nhuận trước thuế ở quý I/2021.
 
Đầu năm nay, nhà sản xuất ôtô cho biết, họ dự kiến ​​sự thiếu hụt chip có thể làm giảm từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ USD trong thu nhập cả năm. Nhưng điều này đã đưa ra một cái nhìn lạc quan hơn về kết quả cả năm so với một số đối thủ của hãng đã từng công bố.
 
Giám đốc điều hành Mary Barra chia sẻ: “Đây vẫn là một giai đoạn đầy thách thức đối với công ty. Mặc dù chúng tôi sẽ có thời gian ngừng hoạt động sản xuất trong quý II, nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ có một nửa đầu năm mạnh mẽ…”
 
Các nhà sản xuất ôtô đã cắt giảm các đơn đặt hàng chip điện tử vào đầu năm ngoái khi đại dịch khiến nhiều nhà máy tạm thời phải đóng cửa, đồng thời hãm đà sản xuất và bán ôtô.
 
Nhưng khi doanh số bán xe tăng trở lại sớm hơn dự kiến, ngành công nghiệp sản xuất ôtô vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các bộ phận cần thiết, gây ra tình trạng tạm ngừng hoạt động trên toàn cầu.
 
Việc khan hiếm ôtô để bán và nhu cầu mạnh mẽ của người mua đang khiến giá ôtô tăng cao. Nhưng điều đó chủ yếu mang lại lợi ích cho các đại lý ôtô,chứ không phải chính các nhà sản xuất ôtô.
 
Barra chia sẻ với các phóng viên rằng bà dự kiến tác động lớn nhất từ tình trạng thiếu chip sẽ đến trong quý II. Công ty hiện đang đóng cửa tạm thời các nhà máy sản xuất trên diện rộng.
 
Các nhà sản xuất ôtô khác, cụ thể là Ford (F) và Stellantis, chủ sở hữu của Fiat Chrysler gần đây đã cảnh báo rằng sự thiếu hụt chip sẽ gây ra vấn đề đáng kể trong quý II và thời gian còn lại của năm nay.
 
Giám đốc tài chính Richard Palmer của Stellantis cho biết: “Chúng tôi mong rằng tình trạng thiếu hụt chip sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm, nhưng rõ ràng là sẽ thật ngây thơ nếu kỳ vọng điều này biến mất hoàn toàn. Vấn đề chắc chắn sẽ tiếp tục vào năm 2022”.
 
Giám đốc tài chính của Ford là John Lawler cho biết công ty dự kiến ​​sẽ mất khoảng 50% sản lượng kế hoạch trong quý II, đồng thời đánh giá rằng tình trạng thiếu chip "sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi có sự thay đổi theo hướng tích cực”.
 
Thiếu Chip điện tử toàn cầu vẫn đang là vấn đề nan giải của các công ty sản xuất ôtô trong thời đại Covid-19.