Ôtô Việt 2015: Chờ một lối đi

Dù nền kinh tế trong nước khá ảm đạm, nhưng thị trường ôtô Việt năm 2014 vẫn khởi sắc và gia tăng theo từng tháng. Người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên mua xe nhập khẩu nguyên chiếc hơn là xe lắp ráp trong nước. Năm 2015 hứa hẹn là năm phát đạt cho giới kinh doanh xe hơi. Tuy nhiên, nếu Chính phủ không có những chiến lược mới thì Việt Nam vẫn mãi chỉ là thị trường tiêu thụ ôtô làm giàu cho các doanh nghiệp ngoại quốc.

 
Xe ngoại thắng thế
 
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2014, số lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc là 72.000 chiếc với giá trị tương đương 1,57 tỷ USD, tăng 103% về lượng ôtô nhập khẩu và tăng 117,3% về giá trị so với năm 2013, chiếm gần nửa số lương xe bán ra trong năm được dự báo bởi Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA). Hiện nay, hầu hết các liên doanh ôtô có vốn đầu tư nước ngoài đều có ít nhất một mẫu xe nhập khẩu. Điều này cho thấy người dân Việt đang có xu hướng chuộng xe nhập khẩu nguyên chiếc thay vì xe lắp ráp trong nước. Nguyên nhân phần vì xe lắp ráp rất khó khăn khi chủ yếu lệ thuộc linh kiện phụ tùng được nhập khẩu từ nước ngoài, chất lượng không thể bằng sản phẩm nguyên chiếc, giá trị lắp ráp cũng rất thấp chỉ khoảng duy trì ở mức 7-8% và đang có xu hướng giảm dần. Hơn thế nữa, kiểu dáng ôtô trong nước không đủ sức cạnh tranh với xe nhập khẩu.
 
 Theo đại diện của một hãng xe Nhật chia sẻ, tỷ lệ nội địa hóa hóa ôtô Việt nam chỉ khoảng 10%  với các chi tiết đơn giản. Đến năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực ASEAN hạ xuống 0%, nền công nghiệp sản xuất linh kiện trong nước vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu nội địa hóa trong nước, buộc các DN vẫn phải nhập khẩu linh kiện từ các quốc gia khác, đẩy giá của xe lắp ra trong nước lên cao, khó cạnh tranh với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc. Đáng buồn hơn, hiện nay chỉ có khoảng 10% DN trong nước, còn lại toàn DN có vốn đầu tư nước ngoài.
 
Một thực trạng rõ ràng là công nghiệp ôtô Việt Nam đang mất dần sức hút đầu tư từ các tập đoàn xe hơi lớn của thế giới. Điển hình như Tập đoàn ôtô Mazda (Nhật Bản) đã chọn Thái Lan làm cơ sở sản xuất với quy mô lớn thay vì Việt nam. Hay Toyota, Ford, Nissan… quyết định xây dựng nhà máy tại Thái Lan hay Indonesia với số vốn đầu tư từ 200-400 triệu USD, trong khi những khoản đầu tư về Việt Nam lại rất nhỏ giọt. Một thương hiệu ôtô lớn của Hàn Quốc, mà rất nhiều người hy vọng sẽ đầu tư vào Việt Nam là Hyundai, mới đây cũng đã tuyên bố tập trung cho sản xuất tại Malaysia. Đến bây giờ không một hãng nào quy hoạch Việt Nam là điểm sản xuất ôtô, mà lựa chọn hầu hết là các nước xung quanh, Việt Nam chỉ là thị trường lắp ráp và tiêu thụ là chính.
 
Cần một chính sách rõ ràng
 
Năm 2015 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm khởi sắc của thị trường ôtô. Tuy nhiên, nếu không nắm bắt được đúng thời cơ này, nền công nghiệp ôtô sẽ tiếp tục “trượt dài” trên những sai lầm đã mắc phải.
 
Theo Tổng giám đốc Vinastar, ông Kazuhiro Yamana, sở dĩ công ty chuyển dần sang xe nhập khẩu nguyên chiếc thay vì nhập khẩu linh kiện để lắp ráp vì hãng cũng chưa biết từ nay đến năm 2018 chính phủ có thay đổi gì về chính sách đối với ngành công nghiệp ôtô.
 
Khi thời điểm thực hiện cam kết AFTA cận kề càng thấy rõ sự chần chừ của các doanh nghiệp cũng như những động thái đổi hướng của các hãng xe. Nếu không muốn ngành công nghiệp ôtô Việt lụi tàn thì hơn lúc nào hết các chính sách cần được hoạch định lại để có thể đưa ra những giải pháp, những kế hoạch “dài hơi” hơn, thay vì việc phụ thuộc vào hàng rào thuế quan như hiện nay. Trên thực tế, việc tăng thuế lên cao chủ yếu là làm lợi cho DN đầu tư nước ngoài lắp ráp ôtô tại VN. Từ đó, các DN trong nước mới có thể tính đến những đầu tư dài hạn, cả về nguồn nhân lực kỹ thuật cao và công nghệ hiện đại nếu muốn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thời gian tới. Đồng thời doanh nghiệp cần đầu tư tập trung dựa trên những thế mạnh sẵn có, đảm bảo đạt chất lượng cao, thay vì việc đầu tư dàn trải hay đặt ra những kế hoạch thiếu thực tế. Khi ấy, may ra sản xuất mới tiếp cận được nhu cầu tiêu dùng để hướng ra thế giới.