Sự “hấp hối” của nhà máy ôtô nghìn tỷ

Là một trong số ít doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam tham gia sản xuất ôtô, cũng là đơn vị duy nhất sản xuất xe 4 chỗ “made in Việt Nam” nhưng ở thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) chỉ là một nhà máy “chết” vì… thiếu vốn.

 
Ảnh: Cafebiz
 
Nhà máy sản xuất và lắp ráp ôtô đặt tại huyện Mê Linh (Hà Nội). Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho biết trước đây, khu này được xây dựng để cho 10 chuyên gia Nhật Bản ở,  giúp sản xuất ra chiếc ôtô cá nhân đầu tiên “made in Việt Nam”. Tuy nhiên, trong hơn 3 năm qua, do không có vốn nên hoạt động sản xuất của Vinaxuki vì thế mà “teo tóp” dần. Các chuyên gia cũng về hết.
 
 
Nhà máy rộng 12 ha với vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng nhưng hiện tại chỉ để cỏ mọc xanh tốt. Các loại robot được nhập về với giá hàng triệu USD đều trong tình trạng phủ bụi. 200 vỏ xe 4 chỗ đã xếp thành hàng dài. Những chiếc xe dự kiến được xuất xưởng từ năm 2011-2012 nhưng do hết vốn, ngân hàng không cho vay nên đống khung xe phải nằm “đắp chiếu”.
 
 
Ông Huyên kể lại, trước đây, Vinaxuki chỉ nhập linh kiện về lắp ráp xe tải nhỏ, lãi suất mỗi năm cũng 90 tỷ đồng, có năm đạt 160 tỷ đồng. Năm 2009, để thực hiện giấc mơ ôtô Việt, công ty đầu tư hơn 250 tỷ đồng để phát triển xe cá nhân loại 4 chỗ và 7 chỗ. Tuy nhiên, do trục trặc và không vay được vốn ngân hàng, hoạt động sản xuất tại nhà máy gần như dừng hẳn. Để có tiền trả lương cho người lao động, Vinaxuki đã phải bán đi hơn 5 nghìn tấn sắt vụn, máy móc cũ.
 
 
Mẫu xe cá nhân đầu tiên Vinaxuki giới thiệu là loại xe 4 chỗ ngồi có tên gọi VG. Xe mới có 2 ghế trước được lắp đặt, thiếu nhiều bộ phận như cách âm, chốt mở cửa, điều hòa, đèn, loa…Theo ông Huyên, nó chỉ ngốn 6L xăng/100 km, lốp xe nhập khẩu từ Nhật Bản, đèn nhập của Đài Loan. Ông cho biết thêm, xe khỏe, gầm cao, phù hợp với đường nông thôn hay miền núi của Việt Nam. Nếu được xuất xưởng, xe có giá dự kiến 350 triệu đồng cho bản số sàn và 390 triệu đồng cho bản số tự động. Tuy nhiên, để hoàn thiện và sản xuất hàng loại, cần thêm 20 tỷ đồng để nhập máy móc, thiết bị và 50 tỷ đồng vốn lưu động.
 
 
Không thể ngồi chờ vốn từ phía ngân hàng để khôi phục hoạt động sản xuất và trả nợ, ông Huyên đang tiến hành đàm phán để bán 50% cổ phần nhà máy. Ông cho biết công ty được định giá hơn 3 nghìn tỷ đồng và một số nhà đầu tư Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm. Nhưng đến nay mới qua một vòng đàm phán, dự kiến phải 10 lần đàm phán mới xong.
 
Tình trạng “đắp chiếu” không chỉ xảy ra với nhà máy của công ty tại Hà Nội. Các nhà máy khác đặt tại Thái Nguyên, Thanh Hóa, Đắk Nông cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Huyên từng chia sẻ rằng: “Nước nào người ta cũng hỗ trợ, không riêng gì Việt Nam. Cái gì mới ra đời, không được "nuôi" là "chết", hỗ trợ không phải cho tôi mà chính là cho người tiêu dùng. Đáng lẽ cái xe có giá 550 triệu, người tiêu dùng chỉ phải mua 350 triệu thôi. Nhiều doanh nghiệp khác cứ đi lắp ráp, có lãi thì mua vàng, đất đai v.v… tôi thì nuôi nội địa hóa”. Nhưng rồi ước mơ có “ôtô Việt” hàng chục năm qua mà Vinaxuki vốn được kỳ vọng là nhân tố hiện thực hóa đã trở về với hư vô bởi sự ngáng bước của chính sách vốn, sự bảo trợ không đúng chỗ và cả những sách luật chưa có tính thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Thế nên ngành ô tô Việt vẫn mãi chỉ là một giấc mơ trưa.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn