Muốn lái xe an toàn phải biết thư giãn

Vừa định nhấn ga, bất thình lình một xe máy tạt ngang đầu, đèn đỏ chưa hết phía đằng sau còi bấm inh ỏi, chưa kể đường vừa ùn ứ là các xe cứ đua nhau dàn hàng đòi lên. Chỉ chừng ấy thôi cũng thấy lái xe ở Việt Nam đòi hỏi sự điềm tĩnh và nhẫn nại. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được như vậy, có tới 40% tài xế thừa nhận hay bị kích động. Mà điều này thì không hề có lợi vì tâm trạng không thoải mái thì khó có thể lái xe an toàn.

Một anh bạn làm nghề lái xe cho sếp từng kể rằng khi mới vào nghề tài xế anh liên tục bị ức chế, không chỉ vì bị gọi đi làm bất cứ lúc nào, phải luôn luôn đúng giờ mà còn bởi những tình huống oái ăm trên đường. Điện thoại sếp giục liên hồi vì đến giờ gặp khách, đường thì tắc nghẽn, trong khi các xe cứ cố tranh nhau từng xen-ti-met một, cứ có khoảng trống  nào là không chỉ xe máy mà cả ôtô cũng cố tách hàng len vào, chưa kể cái đám đằng sau cứ bấm còi liên tục. “Đi thế quái nào được mà chúng nó cứ bấm còi”, anh bức xúc nhớ lại.
 
Mà chẳng phải riêng gì anh bạn này, một giáo viên dạy lái xe chia sẻ, giờ bên cạnh dạy học viên lý thuyết lái xe, những tình huống oái oăm có thể xảy ra, các giáo viên còn truyền kinh nghiệm cách giảm stress trên đường phố. “Chính vì cái kiểu đi xe chẳng giống ai của người Việt mà người ta dễ dàng văng tục ngoài phố, rồi thì sẵn sàng quát chửi nhau, thậm chí là xuống xe để đấm vào mặt nhau, cũng đâu hiếm vụ đổ máu xảy ra chỉ vì những va chạm nhẹ, hoặc đôi khi chỉ là tạt ngang mép xe. Thế nên, lái xe cũng là nghề nguy hiểm, phải biết tự cân bằng, có thể mới giữ được tính  mạng cho mình và cho người ngồi trên xe”, anh cười và nói.
 
Thế mới thấy, đi ô tô ở Việt Nam cũng chẳng sướng gì. Dù có là chiếc xe xịn, xe sang đi chăng nữa thì tựu chung lại cũng phải biết đến chữ Nhẫn mới mong bảo toàn tính mạng. Trước khi cầm vào vô lăng, điều đầu tiên cần làm là phải loại bỏ hết những lo lắng về công việc hay gia đình để có thể tập trung cho việc lái xe. Một bản nhạc du dương hay những bài  thể dục thư giãn nhẹ nhàng có thể sẽ phát huy tác dụng.
 
Sự tĩnh tâm sẽ giúp lái xe kiềm bớt cái tính nóng vội mà lái xe tăng tốc, có thể dẫn đến khó xử lý những tình huống phát sinh trên đường đi. Tuy nhiên, cũng không nên giữ khoảng cách quá gần với xe đi trước bởi họ có thể dừng lại hoặc chuyển hướng đột ngột mà không báo trước khiến người lái cảm thấy khó chịu.
 
Chúng ta không thể kiểm soát được các lái xe khác nhưng có thể làm chủ được bản thân mình. Vì vậy, với các tình huống xảy ra trên đường, cần giữ thái độ lịch sự, đặc biệt không bao giờ được nhìn thẳng vào mắt một lái xe khác đang tức giận. Và nếu một tài xế “ngông cuồng” nào đó đang cố gắng vượt lên, hãy nhường đường cho họ.
 
Bọn trẻ cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh mất bình tĩnh và bị phân tâm khi lái xe. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng chúng sẽ không “làm loạn” hoặc có những hành động quá khích trên suốt chặng đường đi.
 
“Tập đếm” cũng là một cách để “hạ hỏa” nếu bạn đang trong trạng thái vội vàng nhưng lại bị tắc đường hay phải chờ đèn đỏ quá lâu. Cách đơn giản nhất là đếm ngược số giây đèn đỏ. Nếu không, người lái cũng có thể tập yoga cho bàn tay, vừa có lợi cho sức khỏe, đặc biệt ở những người phải tiếp xúc cả ngày với máy tính, vừa đem lại cảm giác thời gian chờ đợi trôi qua nhanh hơn.
 
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể mang theo những tấm bưu thiếp đẹp hay ảnh của con cái ở ngay trên xe để trong lúc tắc đường có ngắm nhìn chúng và tưởng tượng đang lạc vào một thế giới của trẻ thơ. Cũng đừng quên những bản nhạc mình yêu thích bởi âm nhạc luôn là liều thuốc cho tâm hồn, giúp người lái cảm thấy thư giãn, thoải mái hơn.
 
Và nếu thấy ai đó văng tục vì mình đang chặn trước mũi xe họ thì cứ mỉm cười một cách thư thái và từ từ lăn bánh khi đèn đỏ đã chuyển sang xanh. Rồi họ cũng sẽ hiểu “đường Việt chẳng vội được đâu” và quen dần với nó. Mọi chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng và yên bình như bạn mong muốn, hành trình lại bắt đầu với nhiều điều ở phía trước.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn