5 xe điện có tốc độ khủng nhất thế giới

Tốc độ từng là một trong những hạn chế của xe điện khi được đem ra so sánh với xe xăng. Tuy nhiên, nhược điểm này đang dần được khắc phục khi ngày càng có nhiều mẫu xe điện thay nhau thiết lập kỷ lục về tốc độ, thậm chí còn vượt tốc độ của xe trang bị động đốt trong. 5 mẫu xe điện được giới thiệu trong bài viết này đã góp phần phá vỡ quan niệm ô tô điện không dành cho những người đam mê tốc độ.

Rimac Nevera

Rimac Nevera đã trở thành mẫu xe điện nhanh nhất thế giới sau khi thiết lập kỷ lục tốc độ 412 km/h. Đây được xem là thành tích đáng kinh ngạc đối với mẫu xe thuần điện chạy trên đường phố (không phải xe đua).

Kỷ lục mà Rimac Nevera xác lập cũng là tốc độ cao nhất được ghi nhận trên đường đua Papenburg, cao hơn kỷ lục 407km/h mà Bugatti Veyron chạy xăng xác lập vào năm 2005. Không chỉ giữ kỷ lục tốc độ của xe điện, Rimac Nevera còn giữ kỷ lục tăng tốc nhanh nhất thế giới được xác lập năm 2021 khi chỉ mất 8,582 giây cho quãng đường 400m.

Rimac Nevera được trang bị bộ lốp Michelin Cup 2R mà không có hiệu chỉnh hay nâng cấp so với xe nguyên bản bán ra thị trường, ngoài trừ việc bỏ giới hạn tốc độ vẫn được dùng để bảo vệ lốp. Xe trang bị 4 mô-tơ điện, cho công suất kết hợp đạt 1.887 mã lực, mô-men xoắn 2.360Nm.

Bộ pin 120kWh đủ để siêu xe điện này chạy 550 km sau mỗi lần sạc, theo tiêu chuẩn đường thử WLTP. Khi pin cạn, Rimac Nevera chỉ mất 22 phút để sạc pin từ 0 lên 80% nhờ hệ thống sạc nhanh 500kW. Bộ pin do Rimac tự phát triển để trang bị cho Nevera là loại pin gắn liền với xe, góp phần gia tăng 37% độ cứng cho bộ khung bằng vật liệu sợi các-bon. Trọng lượng xe 2.150 kg, được phân bổ theo tỷ lệ 48/52 (trước/sau).

Rimac cũng chú trọng hệ thống phanh cho Nevera do xe có tính năng vận hành cao. Theo đó, Rimac Nevera được nhà sản xuất trang bị phanh đĩa gốm các-bon Brembo đường kính 390 mm đi kèm bộ kẹp phanh 6 piston. Xe được giới thiệu có hệ thống tái tạo năng lượng phanh hiệu quả nhất hiện nay khi có thể tận dụng lực phanh để sạc pin.

Rimac Nevera chỉ được bán với số lượng giới hạn 150 chiếc, giá bán lên đến 2 triệu Euro (khoảng 25 tỷ đồng). Mỗi xe bán ra đều có chữ ký của nhà sáng lập kiêm CEO Mate Rimac.

Tesla Roadster

Roadster thế hệ thứ hai là mẫu xe đầy tham vọng của Tesla. Xe được cung cấp năng lượng bởi pin 200kWh liên kết với ba động cơ điện (một phía trước và hai phía sau) cho mô-men xoắn cực đại lên đến 10.000 Nm cùng công suất hơn 1.000 mã lực.

Tesla Roadster là chiếc xe thể thao nhanh nhất mà hãng xe điện Mỹ từng sản xuất. Xe từng lập kỷ lục nhanh nhất thế giới khi có thể chạy nước rút 0-96km/h trong 1,9 giây vào năm 2017, nhanh hơn các siêu xe tốc độ khác như Bugatti Chiron hay Porsche 918 Spyder ở thời điểm đó. Tesla Roadster có tốc độ tối đa 402 km/h cùng phạm vi di chuyển 998 km sau mỗi lần sạc đầy.

Tesla Roadster sở hữu thiết kế ngoại thất hướng đến khả năng khí động học tối đa. Xe có kiểu dáng tương tự các dòng siêu xe nhà Porsche về thiết kế nắp capo trước. Dù hướng đến hiệu năng vận hành, nhưng Tesla Roadster vẫn sở hữu nội thất và tiện nghi đẳng cấp và tiện ích.

Aspark Owl

Đến từ công ty siêu xe điện non trẻ của Nhật Bản, Aspark Owl được cung cấp năng lượng bởi 4 động cơ điện PMSM để tạo ra tổng công suất 1.984 mã lực. Nhờ đó, xe đã vượt qua tốc độ 0-96km/h trong 1,69 giây. Pin 64kWh được phát triển đặc biệt cho phạm vi hoạt động 450 km sau mỗi lần sạc. Tốc độ tối đa 400 km/h.

Aspark Owl mang thiết kế độc đáo dựa trên sự thanh lịch, vẻ đẹp và sự nữ tính, được sản xuất để đáp ứng nhu cầu của những khách hàng luôn tìm kiếm cái đẹp. Khung gầm dạng cấu trúc các-bon monocoque được chế tạo từ sợi gia cường CFRP chất lượng cao. Siêu xe điện này có ba mức khoảng sáng gầm xe từ 80mm đến 160 mm và 4 chế độ lái. Xe trang bị bộ cánh lướt gió linh hoạt với khả năng tùy chỉnh, tự động mở khi đạt tốc độ 150 km/h và đóng lại tại 100 km/h.

Bên trong khoang nội thất, Aspark Owl sở hữu không gian xa xỉ và hiện đại với các chi tiết mỏng manh, nhưng không kém phần linh hoạt. Các trang bị tiêu chuẩn bao gồm đèn hậu dải LED hiện đại, hệ thống camera sau tích hợp trên gương (CMS), cổng kết nối USB, định vị sat-nav, kiểm soát khí hậu, bốn màn hình hiển thị, đèn viền nội thất, chìa khóa thông minh. Các trang bị an toàn và hỗ trợ người lái khác có thể kể đến như hệ thống kiểm soát pin (BMS), cảnh báo áp suất lốp (TPMS), cân bằng điện tử ESP, phanh ABS, kiểm soát lực kéo TCS và hỗ trợ đánh lái.

Aspark Owl chỉ được sản xuất với số lượng giới hạn 50 chiếc, giá bán khoảng 3 triệu USD.

Pininfarina Battista

Pininfarina Battista là xe thể thao chạy điện do Automobili Pininfarina GmbH có trụ sở chính tại Munich, Đức sản xuất. Dưới lớp vỏ bằng sợi các-bon của Pininfarina Battista là hệ thống truyền động tương tự được sử dụng trên siêu xe Rimac C_Two. Với 4 mô-tơ và công suất kết hợp 1.877 mã lực, xe chỉ mất 1,86 giây để đạt tốc độ 100 km/h và 4,75 giây để tăng tốc từ 0-200 km/h. Con số này thậm chí còn nhanh hơn xe đua Công thức 1. Vận tốc tối đa mà xe có thể đạt được là 350 km/h.

Tại  trường đua Dubai Autodrome, Pininfarina Battista đã chính thức trở thành chiếc xe thương mại có thời gian tăng tốc từ vị trí đứng yên lên 96 km/h nhanh nhất thế giới chỉ với 1,79 giây, nhanh hơn kỷ lục 1,85 giây của Rimac Nevera.

Ông Paolo Dellacha - Giám đốc Sản xuất và Kỹ thuật của Automobili Pininfarina- cho biết: “Sự phân bổ trọng lượng được tối ưu hóa hoàn hảo và trọng tâm thấp đã góp phần mang lại kết quả trên. Sự kết hợp giữa khung gầm đặt làm riêng và điều chỉnh hệ thống treo, lốp xe đã được chứng minh qua hàng nghìn dặm thử nghiệm và vectơ mô-men xoắn riêng biệt ở 4 động cơ đưa Pininfarina Battista trở thành mẫu xe thương mại hợp pháp di chuyển trên đường phố có khả năng tăng tốc nhanh nhất trên thế giới.

Pininfarina Battista trang bị bộ pin dung lượng 120 kWh do Rimac cung cấp. Nhờ đó, Pininfarina Battista có thể di chuyển quãng đường lên đến 450 km sau mỗi lần sạc đầy.

Tesla Model S Plaid

Tesla Model S Plaid là phiên bản hiệu năng cao nhất của mẫu xe Model S. Tuy chỉ là xe gia đình, nhưng Tesla Model S Plaid vẫn ở hữu động cơ sản sinh công suất lên đến 1.020 mã lực. Nhờ đó, xe có thể tăng tốc từ 0 đến 96km/h chỉ sau 1,99 giây, tăng tốc 0-100 km/h trong 2,1 giây. Vận tốc tối đa 322 km/h. Xe có thể hoạt động khoảng 560 km sau mỗi lần sạc đầy.

Tesla Model S Plaid trang bị 3 động cơ điện. Bộ mô-tơ điện trang bị trên Model S Plaid rất đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên mô-tơ điện của xe được bọc carbon để có thể đạt vòng quay 20.000 vòng/phút. Việc bọc các-bon giúp giữ kết cấu mô-tơ được bền vững, không bị vỡ nát khi đạt đến vòng tua cao.

Xe trang bị bộ mâm 5 chấu kép kích thước 21 inch. Với thiết kế vòm bánh xe trước và sau mở rộng, ngoại hình của Model S Plaid trở nên cơ bắp, thể thao hơn.

Tesla Model S Plaid có thiết kế nội thất khá đơn giản với vô-lăng như trên xe đua F1, màn hình điện tử hiển thị các thông tin và cài đặt khi vận hành xe, trong khi ở giữa bảng táp lô là màn hình cảm ứng kích thước 17 inch hình chữ nhật. Ngoài ra, Tesla Model S Plaid còn có màn hình giải trí kích thước 8 inch cho hàng ghế sau, ghế ngồi chỉnh điện tích hợp tính năng sưởi, cửa sổ trời dạng kính toàn cảnh...