Need For Speed mê hoặc người xem bằng siêu xe “nhái”

Bộ phim Need For Speed quy tụ một đội hình siêu xe đỉnh nhất hiện nay cho những pha đua kịch tính ngay trên đường phố. Dù phần lớn những siêu xe này đều là hàng “fake”, nhưng khán giả vẫn tấm tắc hú hét.

Trong khi rất nhiều game ăn khách được chuyển thể từ những bộ phim hành động thì chỉ một vài phim được làm dựa trên cơ sở game. Một trong những bộ phim được chào đón trong thời gian qua phải kể đến Need For Speed. Bộ phim hành động này đã và đang làm mưa làm gió tại các rạp chiếu phim toàn cầu. Không được đầu tư kinh phí khủng và cũng không được xếp vào hạng bom tấn nhưng Need For Speed vẫn đang chứng tỏ là một bộ phim ăn khách, buộc những người mê phim ảnh và chơi game kéo đến ngồi chật kín các rạp chiếu. Need For Speed đã ra mắt đúng thời điểm, đặc biệt khi tập Fast & Furious 7 đã bị dời ngày công chiếu do tai nạn giao thông dẫn đến cái chết bất ngờ của nam diễn viên Paul Walker.
 
 
Nguyên bản của tên “Need For Speed” xuất phát từ game đua xe ăn khách nhất trong lịch sử với 20 năm tuổi đời và 20 phiên bản khác nhau. Tuy nhiên cho tới nay Hollywood mới chuyển thể game này sang một bộ phim cùng tên.
 
Kịch bản của Need For Speed không đặc sắc nhưng nó vẫn có những tình huống gay cấn tạo bất ngờ cho người xem, mọi tình tiết đều đơn giản và không quá ấn tượng. Nhưng như vậy là đủ để đạo diễn vẽ ra những màn đua xe hoành tráng và nguy hiểm trên đường phố.
Nếu Fast & Furious tràn ngập xe thể thao và rất nhiều chân dài, thậm chí cả hoa hậu, Need For Speed gần như nói không với người đẹp. Nhưng khán giả vẫn được đã mắt với dàn siêu xe cực đỉnh trị giá hàng triệu USD trong phim.
 
 
Ngay từ đầu phim, người xem đã choáng ngợp với cuộc đua kịch tính giữa 3 chiếc Koenigsegg Agera R trị giá 2,5 triệu USD/chiếc. Càng về sau, sự góp mặt của các siêu xe khủng đưa người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dàn xe trong phim chẳng khác nào trong phiên bản game Need For Speed mới nhất – từ Koenigsegg Agera R, Bugatti Veyron SuperSport, Lamborghini Sesto Elemento, GTA Spano, McLaren P1 và Saleen S7.
 
 
Ngoài những pha trình diễn tốc độ trên đường dân sinh, những màn phá siêu xe diễn ra liên tục trong phim – cảnh chiếc Bugatti bị một chiếc xe cảnh sát đâm ngang hông, chiếc McLaren P1 tông vào ụ đất ven đường và lật vài vòng trước khi tan xác, chiếc Koenigsegg Agera R bay lên không trung và bốc cháy…. Nhưng khán giả chẳng cần phải xót của vì những siêu xe này chỉ là hàng “fake”.
 
Rõ ràng chẳng ai dám mang những siêu xe xịn ra phá một cách không thương tiếc như thế. Trong hoàn cảnh này, hãng phim phải đặt làm những siêu xe fake (replica) loại 1 với độ chính xác rất cao ở ngoại hình. Nếu nhìn ở khoảng cách gần thì thấy vài chiếc Agera và Spano cũng như McLaren P1 trông khá dại nhưng nhìn từ xa khó ai có thể phát hiện được. Làm nhái xe vốn không phải là một công việc quá khó đối với người Mỹ.
 
Những siêu xe hàng khủng đến từ châu Âu sẽ đối đầu với dàn xe cơ bắp đậm chất Mỹ: Ford Gran Torino 1969, Chevy Camaro 1968, Pontiac GTO 1966 và đáng chú ý nhất là chiếc Ford Shelby GT500 2013 tốc độ cực đại lên tới 305km/h. Ford Shelby GT500 2013 là một trong rất ít những chiếc xe thật của Need For Speed.
 
Need For Speed hạn chế sử dụng kỹ xảo và tối đa hoá những cảnh quay trực tiếp ngoài thực địa. Điều này mang đến trải nghiệm chân thực cho người xem. Giống như những bộ phim đua xe và hành động khác, đoàn làm phim lựa chọn ngoại cảnh hoành tráng từ vùng núi Kisco ở New York cho tới thành phố công nghiệp Detroit, từ dãy núi đá đỏ ở Colorado tới cánh đồng muối Bonneville kết thúc tại ngọn hải đăng Point Arena, California.
 
Không nhận được những đánh giá tích cực từ giới phê bình phim khó tính nhưng Need For Speed vẫn là một bộ phim hấp dẫn số đông khán giả và tạo thành công về doanh thu. Nhà sản xuất dự tính sẽ phát hành tiếp những tập tiếp theo của Need For Speed nhưng khán giả chắc chắn sẽ cần một kịch bản được đầu tư tốt hơn và nhiều siêu xe được làm nhái hơn nữa. Bởi suy cho cùng khán giả bỏ chỉ vài đồng tiền mua vé để tận hưởng cảm xúc rú rít vài tiếng vui vẻ. Họ đâu có mua cái xe thật nên, dù là biết là xe đểu cũng chẳng ai quan tâm, quan trọng là tính hấp dẫn dẫn dắt người xem. Đó cũng là khoảng cách phân biệt giữa điện ảnh bậc thầy với kiểu điện ảnh cũ kĩ cố chấp ngu dốt của chúng ta, cứ đem cái “thật thà” khoe ra tưởng ăn tiền. Trong khi điều căn bản của môn nghệ thuật này là “mô-đi-phê” thì cả làng điện ảnh như không biết!?
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn