Các hãng xe dừng sản xuất, công nghiệp ôtô Úc khai tử?

Công nghiệp sản xuất ôtô tại Úc tiến gần hơn tới việc phải đóng cửa sau khi GM, hãng xe chiếm thị phần lớn nhất tại đây, nối gót Ford tuyên bố đóng cửa các nhà máy. Câu chuyện tương tự ở Việt Nam cũng là điều còn khiến nhiều người trong chúng ta trăn trở.

Cách đây vài ngày, hãng xe Holden, thuộc sở hữu của GM, cho biết sẽ ngừng các hoạt động sản xuất vào cuối năm 2017. Quyết định được đưa ra sau khi chính quyền nước này từ chối dùng tiền thuế giúp Holden duy trì hoạt động. Việc Holden ngưng sản xuất ôtô sẽ khiến 2.900 người mất việc làm, bao gồm 1.300 việc làm tại nhà máy đặt ở bang Victoria và 1.600 việc làm tại nhà máy ở bang Nam Australia.
 
Dan Akerson – CEO hiện tại của GM – cho biết: “Quyết định chấm dứt sản xuất tại Úc cho thấy một “cơn bão” những ảnh hưởng tiêu cực mà ngành công nghiệp ôtô đang phải đối mặt, bao gồm việc tỷ giá đô-la Úc tăng cao, chi phí sản xuất cao hay thị trường nội địa nhỏ hẹp”.
 
Trước đó, tháng 5/2013, Ford cũng quyết định đóng cửa 2 cơ sở sản xuất tại Úc vào năm 2016. Việc này sẽ dẫn đến việc dừng sản xuất một số mẫu xe Ford, trong đó có chiếc Falcon danh tiếng. Nguyên nhân được tuyên bố là thị trường ngày càng khắc nghiệt, chi phí sản xuất cao trong khi doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng.
 
Việc Ford và GM ngừng cuộc chơi có thể là tin vui cho Toyota, hãng sản xuất ôtô duy nhất còn hoạt động tại Úc. Nhưng thực tế lại không như vậy.
 
Ngay sau khi thông báo của GM được phát hành, Toyota cũng cho biết đang cân nhắc một quyết định quan trọng khi đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm việc với các nhà cung cấp, các bên liên quan cũng như chính phủ để xác định có tiếp tục hoạt động như nhà sản xuất xe duy nhất tại đây hay không”.
 
Thủ tướng Tony Abbott đã tuyên bố sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để đảm bảo sự hoạt động của Toyota Úc, nhưng tình hình có vẻ ngày càng xấu hơn. 2 tháng trước, Bộ trưởng Công nghiệp Úc từng tuyên bố sẽ vận động chính phủ hỗ trợ Holden cũng như yêu cầu Holden chế tạo ra chiếc xe phù hợp với thị trường nội địa. Kết quả của nỗ lực này đã rõ.
 
Chi phí phụ tùng có thể là một nhân tố quyết định đối với Toyota. Sau thời hạn 2017, chỉ còn Toyota là đối tác duy nhất của các nhà cung cấp linh kiện. Có thể thấy trước giá thành sản xuất xe sẽ tăng cao, trong khi giá bán khó mà tăng tương ứng, nhất là khi thuế nhập khẩu xe hơi, từng mang lại lợi thế cho các hãng lắp ráp ôtô tại chỗ, cũng sẽ bị giảm xuống.
 
Trong giai đoạn đầu năm nay, Toyota Úc đã lãi 200 triệu USD. Nhưng đó là bởi 70% số xe sản xuất ra được dành cho xuất khẩu và do vậy, không bị phụ thuộc vào lượng xe bán nội địa. Nhưng khi chi phí sản xuất tăng thì lợi thế này cũng mất luôn. Chưa kể khi ngành công nghiệp bị giảm quy mô, việc đào tạo và tuyển mộ nhân lực cũng sẽ trở thành hạn chế đáng kể.
 
Do đó, hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng nếu Toyota nối gót GM và Ford, ngành công nghiệp ôtô tại Úc sẽ bị khai tử. Câu chuyện đến đây trở nên quen thuộc, vì công nghiệp ôtô Việt Nam đã bị coi là phá sản từ lâu và giờ phút này, nhiều ý kiến khẳng định thời điểm cáo chung sẽ là năm 2018, khi xe nhập từ các nước ASEAN chỉ còn chịu thuế 0%.
 
Việc Ford, GM và Toyota dừng sản xuất ước tính có thể khiến chính phủ Úc thất thu 18,8 tỷ USD mỗi năm cùng gánh nặng 45.000 người mất việc làm (tính cả những người làm việc cho các ngành liên quan). Nhưng tại sao tân chính phủ của ông Abbott lại chấp nhận thách thức này? Ở Việt Nam, thiệt hại có ở mức tương tự và tác động sẽ như thế nào đối với nền kinh tế? Chúng tôi xin được đề cập đến trong bài viết kế tiếp với tựa đề “Cơ hội từ sự phá sản của công nghiệp ôtô”.
 
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn