NASA phát triển công nghệ có thể đầy sạc pin ôtô điện trong 5 phút

Công nghệ kiểm soát nhiệt độ được NASA phát triển cho các nhiệm vụ không gian được kỳ vọng có thể rút ngắn đáng kể thời gian sạc xe điện.

Theo Interesting Engineering, NASA đang thử nghiệm công nghệ làm mát thiết bị trong không gian. Công nghệ này được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể thời gian sạc xe điện do góp phần cải thiện sự truyền nhiệt từ cáp sạc, nên có thể tăng đáng kể lượng điện mà các bộ sạc cung cấp cho xe điện. Nhờ đó, thời gian sạc đầy pin được rút ngắn, thậm chí chỉ mất 5 phút hoặc ít hơn.

Theo NASA, dòng điện khoảng 1.400 Ampe sẽ đủ để sạc đầy pin trong 5 phút cho một chiếc ôtô trung bình. Cụ thể: Các bộ sạc tiên tiến sẽ cung cấp dòng điện 520 ampe thay vì chỉ dưới 150 ampe của các bộ sạc tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khi tăng cao hơn 520 ampe, bộ sạc sẽ tỏa nhiệt nhiều hơn, gia tăng nguy cơ gây nguy hiểm cho người dùng. Vì thế, công nghệ làm mát dây cáp mang điện tích cao một cách an toàn mà NASA thử nghiệm mở ra triển vọng mới cho xe điện.

Hiện tại, nhóm chuyên gia đến từ Đại học Purdue đang phát triển thí nghiệm ngưng tụ và sôi dòng chảy (FBCE) với sự tài trợ của NASA. Theo đó, nhóm nghiên cứu đang thực hiện các thí nghiệm truyền nhiệt và dòng chất lỏng trong môi trường vi trọng lực trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Họ dùng cáp làm mát bằng chất lỏng để thử nghiệm phương pháp mới. Chất lỏng được dẫn đến các dây cáp nóng sẽ ở trạng thái cận mát (dưới nhiệt độ sôi). Sử dụng công nghệ FBCE, nhóm nghiên cứu đã đạt được mức 2.400 ampe/sợi cáp, cao hơn rất nhiều mức 1.400 ampe cần thiết để sạc đầy pin cho xe điện trong 5 phút.

Tuy nhiên, công nghệ mới này mới chỉ được thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm, khác hoàn toàn so với ôtô trong điều kiện thực tế. Dù vậy, công nghệ mới được đánh giá có tiềm năng cung cấp dòng điện gấp 4,6 lần bộ sạc xe điện nhanh nhất trên thị trường hiện nay bằng cách loại bỏ 24,22 kilowatt nhiệt trong tương lai. Nhờ đó, công nghệ mới sẽ loại bỏ một trong những trở ngại chính là thời gian sạc dài khiến xe điện gặp nhiều khó khăn trong việc phổ cập hóa.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn