Nga tìm cách cứu lại thương hiệu Lada

Lada từng bị cho là dòng xe lỗi thời nhưng người Nga vẫn trân trọng nó với các ưu điểm như giá thành xuất khẩu cạnh tranh, chức năng trung bình, các hệ thống cơ khí đơn giản và thân thiện, ít đối thủ cạnh tranh tại thị trường nội địa. Bởi vậy, trước nguy cơ chúng đang bị đe dọa khi thị phần của hãng đã giảm mạnh kể từ khi Liên Xô sụp đổ, giảm từ 70% xuống còn 17%, điện Kremlin đã quyết định sẽ dựng lại thương hiệu này trong bối cảnh nền kinh tế điêu đứng vì các lệnh trừng phạt.

 
Để làm điều đó, điện Kremlin đã thuê Bo Inge Andersson, một chuyên gia người Thụy Điển – Mỹ với kinh nghiệm lâu đời tại Detroit để “trùng tu” Avtovaz, công ty mẹ của Lada. “Trọng tâm lớn nhất của chúng tôi trong thời điểm này là mang trở lại niềm tự hào cho Lada”.  Andersson, 59 tuổi, cho biết.
 
Trong tháng này, Tổng thống Putin cũng liên lục nhấn mạnh rằng những lệnh trừng phạt của phương Tây có nghĩa là Nga sẽ phải làm điều đó một mình. Hồi sinh Avtovaz là một ví dụ cho những thay đổi mang tính biểu tượng đối với tất cả các ngành sản xuất của Nga.
 
Ông Andersson đã đưa ra những khái niệm như dịch vụ bán hàng. Ông cũng thuê một công ty chịu trách nhiệm mảng truyền thông xã hội để phát hiện những phản hồi tiêu cực và một bộ phận dịch vụ khách hàng mới có nhiệm vụ phản hồi. Tuy nhiên, hành động của  Andersson cũng tạo ra không ít nghi ngờ khi ông cắt giảm tới 20% nhân lực, tương đương 13.400 việc làm, cải tiến phương pháp sản xuất và bắt đầu đối thoại với  các nhà cung cấp phụ tùng…Trong khi phải đối mặt với những chỉ trích, Andersson cho biết chính phủ, bao gồm Tổng thống Putin, công đoàn và nhiều công nhân đều đồng tình với kế hoạch của ông.
 
Người dân nước này cũng không ngừng tranh cãi về những báo cáo được công bố cách đây vài tháng, cho biết mức lương của ông Andersson thuộc hàng cao nhất ở Nga (10 triệu USD mỗi năm), trong khi đó, mức lương trung bình của công nhân là 441 USD/ tháng (tương tương hơn 5.000 USD/năm). Bởi vậy, Piotr A. Zolotaryov,  người đứng đầu một công đoàn độc lập gồm 300 thành viên, cho rằng sự căng thẳng trên là một cuộc tranh chấp giữa công nhân – ban quản trị về  tiền lương và sự ổn định trong công việc.
 
Với những biện pháp nghiêm khắc, năng suất sản xuất hàng năm của nhà máy đã tăng gấp đôi lên 40 xe/ công nhân, nhưng mục tiêu của ông đưa ra là 60 xe. Ông cho biết những thay đổi đối với Lada còn rất nhỏ, nhưng một dòng xe mới mang thương hiệu Nga sẽ được hồi sinh vào mùa thu tới. Theo Andersson, “trận chiến” cuối cùng của ông là thúc đẩy các nhà sản xuất linh kiện, một số thuộc sở hữu của chính phủ, để cho ra những phụ tùng chất lượng với một mức giá cạnh tranh.
 
Mặc dù vậy, nhiệm vụ của Andersson sẽ còn gặp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và Phương Tây đã suy giảm mạnh nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Lượng tiêu thụ xe nhỏ sụt giảm, trong khi nhập khẩu xe sang lại tăng mạnh trong thời gian gần đây khi giới nhà giàu Nga tìm cách bảo toàn giá trị tài sản trong cuộc khủng hoảng đồng Rup. Liệu việc cứu một thương hiệu xe bình dân có đồng nghĩa với việc cứu nền kinh tế trước bờ vực khủng hoảng của nước Nga?
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn