Nhiều hãng xe tải châu Âu nhận án phạt kỷ lục vì “làm giá”

Ủy ban châu Âu (EC) vừa tuyên mức phạt kỷ lục 2,9 tỷ Euro (tương đương 3,2 tỷ USD) cho nhóm các hãng xe tải vì vi phạm luật chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU).

EU phạt nặng các hãng xe tải

 

Bà Margrethe Vestager - Ủy viên châu Âu phụ trách chính sách cạnh tranh của EU

 

Theo EC, các hãng xe tải hàng đầu của châu Âu bị cáo buộc cố tình thông đồng với nhau để “làm giá” cho các mẫu xe cũng như né tránh các chi phí để đáp ứng những quy định nghiêm ngặt hơn về khí thải. 2,9 tỷ Euro là khung phạt cao nhất mà các hãng xe tải phải đối mặt do vi phạm luật cạnh tranh tại lục địa già.

 

Bà Margrethe Vestager - Ủy viên châu Âu phụ trách chính sách cạnh tranh của EU - cho biết: “Trong 14 năm qua, các nhà sản xuất xe tải đã móc ngoặc với nhau để ấn định giá xe và trì hoãn việc tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn khí thải. Đây cũng là thông điệp rõ ràng cho các công ty rằng: Việc liên minh thành một cartel để vi phạm pháp luật là không thể chấp nhận”.

 

Thêm tin xấu cho tập đoàn ô tô Đức Volkswagen - hãng xe đã dành gần 15 tỷ USD để bù đắp cho các chủ xe tại Mỹ bị ảnh hưởng bởi bê bối gian lận khí thải động cơ diesel - là trong các công ty bị “bêu tên” vi phạm luật chống độc quyền có hãng xe tải MAN (thuộc sở hữu của Volkswagen). Tuy nhiên, MAN không nằm trong danh sách chịu phạt vì đã chủ động tiết lộ cho EC về vụ câu kết trên. Các nhà sản xuất xe tải bị phạt bao gồm DAF (Hà Lan), Daimler (Đức), Iveco (Ý) và Volvo-Renault (Thụy Điển). Trong đó, Daimler chịu mức phạt lớn nhất lến đến hơn 1 tỷ Euro (hơn 1,1 tỷ USD).

 

EC nhấn mạnh cứ 10 chiếc xe tải hạng nặng và hạng trung được bán tại EU, thì có đến 9 chiếc được sản xuất bởi 1 trong 5 công ty nói trên. Do vậy, vụ câu kết này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường ô tô toàn khu vực cũng như gây thiệt hại không nhỏ đến quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Các khoản tiền phạt trong khu vực EU dành cho hành vi vi phạm của các cartel đã liên tục tăng cao trong những năm gần đây. Từ năm 1990 đến năm 1994, tổng số tiền phạt là 540 triệu Euro (600 triệu USD). Tuy nhiên, chỉ hai thập kỷ sau đó, từ năm 2010 đến năm 2014, con số này đã lên đến 8,7 tỷ Euro (9,6 tỷ USD).