Nữ sinh Sài Gòn sáng chế hộp đen hành trình cho người

Ý tưởng của nhóm nữ sinh xuất phát từ thực tế nhiều phương tiện giao thông hiện nay có hộp đen giám sát hành trình, thuận tiện cho việc tìm kiếm thông tin nếu gặp tai nạn giao thông. Từ đó, bản thân con người cũng cần có riêng cho mình một chiếc hộp đen.

Nữ sinh Sài Gòn sáng chế hộp đen hành trình cho người_1
 
Tại vòng chung kết Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp thành phố diễn ra ngày 14/1, gian hàng trưng bày Hộp đen dành cho người - Thiết bị hỗ trợ cứu nạn của hai nữ sinh Nguyễn Lâm Gia Nghi và Vũ Phương Thảo được khá nhiều người chú ý với chiếc hộp đen có thể ghi lại hành trình, đồng thời giúp xác định vị trí của chủ nhân khi gặp nạn để báo đến cơ quan chức năng hoặc người thân.
 
Nữ sinh Sài Gòn sáng chế hộp đen hành trình cho người_2
 
Nghi và Thảo là học sinh lớp 11 chuyên Văn, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Từ giữa năm 2016, hai nữ sinh bắt tay thực hiện đề tài này, bằng việc tìm hiểu nguyên lý hoạt động của hộp đen ôtô, các ứng dụng Internet. Hai bạn chia sẻ, tuy là học sinh chuyên Văn nhưng lại rất thích tìm tòi các ứng dụng, sản phẩm công nghệ mới. Nghi và Thảo phải lắp ráp, thí nghiệm rất nhiều lần, có lúc phải làm lại từ đầu mới hoàn thiện được sản phẩm.
 
Hộp được gắn vào người như máy nghe nhạc hay điện thoại di động, có camera quay lại hành trình. Tất cả dữ liệu do thiết bị ghi lại sẽ được chuyển vào thẻ nhớ, khi kết nối với mạng chúng được chuyển lên kho thư mục cá nhân trên Google Drive của người dùng. Trong trường hợp nguy cấp, thiết bị sẽ nhận tín hiệu, kích hoạt đến số điện thoại của các cơ quan có thẩm quyền hoặc người thân, yêu cầu cứu trợ. Người được báo tin có thể truy xuất dữ liệu được truyền tải từ chiếc hộp đen này để biết được thông tin, vị trí của người bị nạn (va chạm giao thông...) để cứu giúp.
 
Nếu hộp đen đóng vai trò công cụ hỗ trợ, bảo vệ cho phương tiện giao thông thì việc ứng dụng cho con người là khả thi. Mô hình của các nữ sinh hiện nay khá lớn, nhưng nếu được ứng dụng thực tế thì nó có thể thiết kế thu nhỏ bằng hộp diêm. Ban đầu, sản phẩm sẽ hướng đến người lao động trong các điều kiện nguy hiểm như thợ mỏ, thợ xây dựng và những người thiếu khả năng tự vệ trước nguy hiểm là người già, trẻ em.
 
Ngoài ra, tại vòng chung kết, một số sáng chế của học sinh được ban giám khảo đánh giá cao như: Robot cứu hỏa và khảo sát địa hình (Trường Tiểu học - THCS - THPT Hòa Bình); Robot hỗ trợ đa ngành nghề cho người bị bại liệt toàn thân (THPT Marie Curie).
 
Triển khai cuộc thi từ tháng 5/2016 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM nhận được 604 đề tài đăng ký dự thi với 37 sản phẩm lọt vào vòng chung kết. Từ đây, Sở sẽ chọn ra 18 đề tài dự thi cấp quốc gia.