Taxi hạng sang khiến Uber gặp khó tại Đức

Dịch vụ Taxi kiểu mới Uber đang thu hút sự quan tâm của không ít khách hàng trên thế giới bởi họ có thể được ngồi trên những chiếc taxi “sành điệu” với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, ứng dụng này lại không có “đất” tại Đức khi dịch vụ taxi đang bị thống trị bởi những chiếc sedan sang trọng của Mercedes.

 
Thương hiệu xe hơi Daimler chiếm khoảng 60% thị trường xe taxi tại Đức với sự phổ biến của dòng E-Class có giá 51.800 USD và tuổi thọ trung bình 3,5 năm. Hãng xe Đức thậm chí còn sản xuất các phiên bản taxi của mẫu xe hàng đầu S-Class. Trong khi đó, hơn một nửa số xe sử dụng Uber là Golf compact của Volkswagen AG hoặc những phương tiện thuộc phân khúc thấp hơn.
 
Không riêng tại Đức, xe Mercedes còn được sử dụng làm taxi tại Pháp
 
Đức là một trong những thị trường khắc nghiệt nhất của Uber. Thực tế rằng người Đức đã quen với những dịch vụ taxi sang trọng càng làm cho tham vọng giành giật thị trường của Uber trở nên khó khăn hơn. Một cuộc khảo sát được tạp chí Die Zeit thực hiện hồi tháng 9 cho thấy 73% người dân Đức không tỏ ra hứng thú với Uber mặc dù chi phí sử dụng thấp hơn nhiều. Rainer Wieblitz, một tài xế taxi E-Class 30 tuổi tại Munich, cho biết: “Tôi thực sự không quan tâm đến sự cạnh tranh của Uber. Không ai trong số những khách hàng của tôi từng đề cập đến dịch vụ này”.
 
Trước tình hình đó, người đứng đầu Uber tại Đức là Fabian Nestmannn đang tìm cách để thay đổi suy nghĩ của khách hàng và làm cho dịch vụ trở nên hấp dẫn hơn. Một lựa chọn hãng đang cân nhắc là bắt tay trực tiếp với các hãng xe để cải thiện chất lượng. Tuần trước, Uber đã thu nhỏ hoạt động tại Berlin và Dusseldorf và hoạt động chủ yếu vào cuối tuần sau khi buộc phải giảm giá để tuân thủ quy định chỉ những tài xế có bằng lái mới được phép chuyên chở hành khách.
 
Mặc dù vậy, Đức không phải nơi duy nhất Uber gặp khó. Được giới thiệu vào năm 2009, dịch vụ taxi Uber đã nhanh chóng xuất hiện tại hơn 200 thành phố trên thế giới. Tuy nhiên, cục Cạnh tranh Canada tuần trước cho rằng các thành phố nước này nên cân nhắc đến việc cấm các ứng dụng taxi di động. Tại Việt Nam, ứng dụng này cũng không được “chào đón” nhưng không phải từ thị trường mà ngay từ vòng loại của cơ quan quản lý. Mới đây, 5 xe taxi Uber tại TP.HCM đã chính thức bị xử phạt với lý do được đưa ra như: dịch vụ chưa được cấp phép, gây khó khăn trong hoạt động quản lý và làm thất thu nguồn thuế. Hành vi này có thể bị phạt tới 3-4 triệu đồng.