Xu hướng đưa hệ thống hỗ trợ lái thành tiêu chuẩn bắt buộc

NHTSA đang đề xuất Chính phủ liên bang đưa hệ thống phanh khẩn cấp tự động trở thành công nghệ bắt buộc trên xe khách và xe tải nhẹ, ước tính cứu 360 sinh mạng và giảm 24 nghìn người bị thương tật mỗi năm.

Các chi tiết cụ thể của đề xuất này vẫn đang trong quá trình thực hiện, song NHTSA (Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ) cho biết họ sẽ yêu cầu tất cả phương tiện phải áp dụng phanh tự động và kích hoạt hệ thống tránh va chạm khi tăng tốc đến 100km/h. Bên cạnh đó, bất kỳ phương tiện chở khách hoặc xe tải nhẹ nào dưới 4,5 tấn sẽ phải tuân thủ quy định này. Bộ trưởng Giao thông Hoa Kỳ Pete Buttigieg đánh giá: “Tương tự các phát minh trước đây như dây đai an toàn, túi khí…, việc áp dụng phanh tự động khẩn cấp cho ôtô và xe tải sẽ giúp chúng ta an toàn hơn trên đường”. Tuy nhiên các quy tắc thường không có hiệu lực cho đến ba năm sau lần cuối cùng công bố, vì vậy các chuyên gia hàng đầu trong ngành cho rằng nó sẽ chưa được thực hiện, ít nhất trong vòng bốn năm tới.

Phanh tự động và hệ thống tránh va chạm sẽ là tiêu chuẩn

Các đề xuất này áp dụng cho gần như tất cả loại xe mới. Được biết vào năm 2016, có 20 nhà sản xuất ôtô đã hợp tác với Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc (Insurance Institute for Highway Safety) và Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ (The US Department of Transportation) về thỏa thuận cơ bản bắt buộc sử dụng phanh khẩn cấp tự động vào năm 2022. Danh sách này bao gồm Audi, BMW, Ford, General Motors, Mazda, Mercedes-Benz, Tesla, Toyota, Volkswagen, Volvo, Fiat Chrysler (nay là Stellantis), Honda, Hyundai, Jaguar Land Rover, Kia, Maserati, Mitsubishi, Nissan, Porsche và Subaru. Thỏa thuận này gần như đã thành công, vì ngay cả mẫu xe cơ bản Toyota Corolla cũng có phanh khẩn cấp tự động.

Hơn thế nữa, một số nhà sản xuất đang tiến thêm một bước. Cụ thể, General Motors (GM) cho rằng cần đưa thêm các hệ thống hỗ trợ an toàn vào gói tiêu chuẩn cho ôtô, đặc biệt là phanh khẩn cấp tự động khi phát hiện người đi bộ. Hãng này cũng sẽ tiêu chuẩn hóa các công nghệ như sau trên 98% mẫu xe năm 2023, bao gồm: cảnh báo va chạm phía trước, phanh khi phát hiện người đi bộ phía trước, hỗ trợ giữ làn đường, báo động chệch làn đường, điều khiển đèn pha tự động IntelliBeam. Các hệ thống vừa kể đang áp dụng trên mẫu xe GM như Chevrolet Trax, dù công ty không nêu rõ các mẫu xe nào nằm trong số 2% xe không được trang bị các công nghệ nêu trên. Trong tương lai, tất cả xe chạy bằng pin của GM cũng được nâng cấp bộ công nghệ hỗ trợ lái (ADAS) này thành gói tiêu chuẩn.

Các hệ thống hỗ trợ lái mới đều có mặt trên Chevrolet Trax

Subaru cũng đang tạo ra tiêu chuẩn công nghệ tránh va chạm dựa trên camera (EyeSight) của riêng mình cho các mẫu xe rẻ nhất của hãng, bao gồm Impreza và Crosstrek. Hiện nay, ít có nhà sản xuất nào không áp dụng ADAS cơ bản như phanh khẩn cấp tự động và phát hiện điểm mù, ngay cả trên những mẫu xe cấp thấp nhất của họ. Tuy nhiên, các thương hiệu như Mitsubishi và Jeep vẫn tính thêm chi phí cho các hệ thống an toàn bổ sung này.

Cuối cùng, gói phanh khẩn cấp tự động bắt buộc có thể làm tăng giá bán xe, bởi ôtô cao cấp thường bao gồm các công nghệ này như là gói tiêu chuẩn. Chẳng hạn, chiếc crossover Alfa Romeo Stelvio Lusso 2023 trị giá 60.000USD có khoản phí tùy chọn 1.595USD cho gói Active Assist Plus, bao gồm một số công nghệ an toàn như hỗ trợ điểm mù và giữ làn đường. Trong khi đó chiếc sedan BMW 330e xDrive 2023 trị giá 57.000USD có gói hỗ trợ lái xe trị giá 700USD bao gồm kiểm soát hành trình thích ứng, phát hiện điểm mù và cảnh báo chệch làn đường.

Có vẻ như ngay cả khi yêu cầu công nghệ là bắt buộc, các nhà sản xuất ôtô sẽ tìm cách chuyển chi phí trên cho người tiêu dùng, thông qua việc định giá lại xe tiêu chuẩn. Như vậy các nhà sản xuất ôtô sẽ đối mặt với thách thức cân đối giá thành trong khi vẫn duy trì khả năng cạnh tranh của họ so với các đối thủ.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn