Hấp dẫn giải đua xe Go Kart “Thắng hay thua – đua mới biết” 2020 tại Đại Nam

Cuối tháng 11/2020 tại trường đua Đại Nam (tỉnh Bình Dương), giải đua xe Go-Kart thu hút các câu lạc bộ tranh Cúp FRV – Đại Nam 2020 có tên gọi “Thắng hay thua, đua mới biết – mùa 2” (Be Fast or Be Last) đã diễn ra với sự tranh tài của gần 60 tay đua trong và ngoài nước, là số lượng vượt trội so với mùa 1 cũng tại Đại Nam. Tuy phải nỗ lực liên tục trong ngày thi đấu duy nhất nhưng các tay lái vẫn hào hứng so kè tốc độ với đối thủ.

 
Việc làm quen và đua xe Go Kart là một trong những bước cơ bản để trở thành tay đua nổi tiếng (như tay đua F1) nên đòi hỏi người đam mê Go Kart muốn tiến lên thi đấu chuyên nghiệp phải được huấn luyện đua xe từ khi 4-6 tuổi.
 
 
Hiện nay người chơi cần bỏ ra 2-3 triệu đồng để thuê xe, trang phục bảo hộ, đường đua, được hướng dẫn kỹ năng chạy xe cơ bản... và trực tiếp lái xe trong một ngày trên đường đua dài 1,7km gồm 7 cua phải và 3 cua trái với hình chữ U, V...
 
 
Các tay đua đều sử dụng xe đua Go Kart do ban tổ chức cung cấp, là xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Úc, trang bị động cơ 210 phân khối, 4 thì, giải nhiệt bằng dung dịch, công suất tối đa 10 mã lực, mô-men xoắn cực đại 15Nm, tốc độ nhanh nhất 100km/h.
 
 
Giải đua “Thắng hay thua, đua mới biết – mùa 2” như vườn trái ngọt mà các tay lái Go Kart hăm hở phô diễn kỹ năng để gặt hái quả chín sau những ngày tháng miệt mài luyện tập. Giải gồm hai thể thức đua: Sprint và Endurance. Dành cho 14 tay đua mới (entry-level) là thể thức Sprint (đua nước rút) với chung kết xếp hạng gồm 14 vòng chạy (tương đương 24km).
 
 
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử các giải đua xe Go Kart tổ chức tại Việt Nam, nhằm thử thách sức bền và sự tính toán thông minh nên công ty FRV (Formula Racing Vietnam) đã tổ chức thể thức đua tiếp sức (Endurance) chạy liên tục 120 phút với tổng quãng đường chạy khoảng 150km, kết hợp quy định bắt buộc mỗi nhóm đua phải có tối thiểu 3 lần lái xe vào pitstop, tất cả tay đua phải chạy ít nhất 15 phút. Cụ thể, 10 đội đua trong thể thức này sẽ xếp thành tích (tính thời gian) theo số vòng chạy tối đa của mỗi đội, vì thế đòi hỏi sự phối hợp chiến thuật nhịp nhàng giữa 3-4 tay đua giàu kinh nghiệm chung đội, nhằm tiết kiệm từng khoảnh khắc mỗi lần thay người trong pitstop.
 
 
Ngay từ sáng sớm ngày đua, khu chuẩn bị kỹ thuật xe thi đấu đã nhộn nhịp các thợ cơ khí chăm chú kiểm tra bề mặt lốp xe; độ căng chùng dây ga, dây phanh; cố định chặt hơn “chíp điện tử đo thành tích” được gắn trên khung xe...
 
 
Các tay đua ngồi vào xe, xoay người duỗi chân chọn tư thế lái linh hoạt và đạp chân ga/phanh mạnh nhất. Họ còn thử độ nhạy - rõ của bộ đàm gắn trên nón bảo hiểm để tiện lợi trao đổi chiến thuật trong quá trình thi đấu.
 
Dưới ánh nắng gay gắt, phải bó thân mình trong bộ đồ bảo hộ áo liền quần dày cộp nên tay đua cảm thấy sức nóng rừng rực, mồ hôi chảy như tắm
 
Mức độ căng thẳng của giải đua thể thức Endurance bắt đầu ngay từ khâu làm thủ tục khởi động xe để xuất phát. Các tay đua phải đứng cách xe 10 mét, căng tai nghe hiệu lệnh của trọng tài để nhanh chóng phóng chân lao đến xe, sau khi được kéo dây giật nổ động cơ (như nổ máy cắt cỏ) thì đạp chân ga sát sàn để tăng gia tốc tối đa. Tiếng động cơ không quá gầm rú vang trời nhưng cũng đủ gây ép lồng ngực mỗi khi những chiếc xe trị giá 100-220 triệu đồng tăng tốc.
 
 
Các tay đua mím chặt môi, gồng tay đánh lái chiếc xe thuần cơ khí, không có bất kỳ hỗ trợ công nghệ lái xe điện tử nào như phanh ABS, ổn định thân xe, chống trượt khi tăng tốc... cũng như không có hộp số, không hệ thống vi sai.
 
 
Hơn thế nữa, tuy yên xe ôm lấy thân người lái, hạn chế đảo lắc khi vào cua gắt nhưng nó chỉ cách mặt đường nhựa vài centimét, tạo cảm giác lái “lạnh sống lưng” khi tay đua đạp chân ga kickdown phóng như bay. Đầu xe có đường nét khí động học nhưng các tay đua vẫn cố gắng cúi đầu để hạn chế lực cản gió, sau đó không quên linh hoạt xoay cổ để ngoái đầu quan sát các đối thủ đang quyết liệt bám theo, tranh nhau vượt lên từng thân xe.
 
 
Chỉ qua vài vòng chạy, các huấn luyện viên đã kịp thời phát hiện “gà nhà” lái chệch choạng nên hét lên, gửi thông điệp hướng dẫn cho tay đua kịp thời điều chỉnh cách chạy hiệu quả hơn. Có xe xoay vòng vòng do thừa lái (oversteer) khi vào cua gắt cua chữ U nhưng tay đua bình tĩnh xoay trở vô-lăng nhanh như cắt, phối hợp ấn/nhả chân phanh/ga để xe giữ thẳng lái tiếp tục cuộc đua. Bởi vô-lăng không trợ lực nên mỗi cú xoay lái đòi hỏi lực khá mạnh, mỏi nhừ cả tay và vai.
 
 
Các cuộc tranh chấp tay đôi hoặc 3-4 tay đua suýt “dính chùm” xe vào nhau làm cho đông đảo khán giả theo dõi bên ngoài đường chạy nhiều lần tưởng như “vỡ tim”. Có tay đua chớp thời cơ mạo hiểm vượt phải, thoát đi trong gang tấc, gây bất ngờ cho đối thủ khi đã gần như đưa xe khép góc sát lề đường đua. Tiếng lốp xe chà xát mặt đường từng hồi rít chát tai.
 
 
Do khung gầm xe áp sát mặt đường nên xe không thể lật, nhưng để đạt thành tích cao, các tay đua buộc phải thực hiện các pha chèn ép khi áp sát hông xe, bênh bánh xe, gài cản trước sau... khiến người xem hú vía. Khi các pha đua nghẹt thở trôi qua, từng loạt vỗ tay khen ngợi của khán giả là liều thuốc động viên tinh thần quý giá. Góp phần cổ vũ cho tinh thần thi đấu fairplay (chơi đẹp), ban tổ chức có giải thưởng Tay đua được yêu thích nhất, được trao cho Henry Vig Nguyễn. Nhìn chung, niềm vui chiến thắng của các tay đua trở nên trọn vẹn hơn khi kết thúc giải đua mọi người đều lái xe an toàn.
 
Khi các pha đua nghẹt thở trôi qua, từng loạt vỗ tay khen ngợi của khán giả là liều thuốc động viên tinh thần quý giá
 
Niềm vui chiến thắng của các tay đua trở nên trọn vẹn hơn khi kết thúc giải đua mọi người đều lái xe an toàn
 
Kết quả đua Go Kart Sprint tranh Cúp FRV – Đại Nam 2020:
Hạng nhất: Alex Sawer (đội đua TrippleX Karting)
Hạng nhì: Nguyễn Anh Tuấn (CD KingDrag)
Hạng ba: Cao Việt Nam (Vietstar)
 
Kết quả đua Go Kart Endurance tranh Cúp FRV – Đại Nam 2020:
Hạng nhất: Đội Sobek Myride Acacdemy (gồm 3 tay đua: Tsai Yi-Chen, Chen Wei-Chih, Florent Poilane)
Hạng nhì: TrippleX Karting (các tay đua Alex Sawer, Doug Pham, Bùi Đức Minh)
Hạng ba: Infinity (Chi-Minh De Leo, Chi-An De Leo, David Guibal, Sebastian Weyler)
 
 
Tại Việt Nam cách đây khoảng 10 năm, xe Go Kart được dùng làm xe trò chơi tại các khu du lịch. Trong hai năm gần đây, loại hình giải trí này phát triển thành bộ môn đua xe Go Kart và tập trung hoạt động tại Đại Nam - trường đua xe lớn nhất Việt Nam hiện nay. Nơi đây trở thành sân chơi lý tưởng cho các tín đồ Go Kart khắp các tỉnh thành và lôi cuốn cả người nước ngoài tham gia. Bên cạnh đó, anh Phan Hồng Sơn (đại diện FRV) cho biết sắp tới tiếp tục phối hợp trường đua Đại Nam và các hội nhóm chơi xe Go Kart triển khai các giải đua thường xuyên và hấp dẫn hơn nữa.