Audi bị ‘sờ gáy’ vì bê bối gian lận khí thải

Các công bố viên của Đức hôm 30/9 đã chính thức mở cuộc điều tra sơ bộ nhằm vào Audi- thương hiệu xe sang trực thuộc của Volkswagen – vì nghi ngờ có dính líu đến bê bối gian lận nồng độ khí thải của các xe sử dụng động cơ diesel.

Audi bị điều tra
Theo báo cáo mới nhất của tạp chí Đức Funke Media, Wolfram Herrle, công tố viên trưởng tại Ingolstadt (Đức) – nơi đặt trụ sở chính của hãng xe Audi – đã tiến hành cuộc điều tra sơ bộ để xem xét xem liệu thương hiệu xe sang này có vi phạm pháp luật không.
 
“Chúng tôi đang kiểm tra lại tất cả các bằng chứng trước khi quyết định khởi kiện hãng xe này”, Wolfram Herrle cho biết. Hiện Audi vẫn từ chối đưa ra bình luận về những thông tin mà tờ Funke Media đăng tải.
 
Hôm 22/9, hãng sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới Volkswagen đã thừa nhận có sự gian lận trong công tác thử nghiệm nồng độ khí thải động cơ diesel tại Mỹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đức lo ngại rằng hành vi lừa đảo này có thể xuất hiện ở cả các dòng xe của hãng được phân phối tại châu Âu – thị trường lớn nhất của Volkswagen. Bê bối này đang khiến Volkswagen phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử 78 năm hoạt động của hãng.
 
Hôm 28/9, văn phòng công tố Đức cũng cho biết đang điều tra hình sự đối với cựu lãnh đạo của Volkswagen Martin Winterkorn vì nghi ngờ dính líu đến gian lận về việc bán xe không đạt chuẩn an toàn khí thải. Không chỉ riêng Martin Winterkorn phải “chịu trận”, một quản lý cấp cao khác là Ulrich Hackenberg – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của thương hiệu Audi – cũng bị cách chức sau khi phát hiện 2,1 triệu xe Audi có gắn thiết bị gian lận tương tự như Volkswagen.
 
Sau khi vụ việc vỡ lở, rất nhiều quốc gia đã phản ứng một cách cứng rắn với nhà sản xuất xe hơi của Đức. Đơn cử  như cách đây vài ngày, Thụy Sỹ đã ban lệnh cấm bán các mẫu xe Volkswagen không đạt chuẩn an toàn khí thải. Các nhà chức trách Đức cũng yêu cầu Volkswagen phải đưa ra giải pháp cho khoảng 2,8 triệu xe bị ảnh hưởng tại thị trường nước này, nếu không những mẫu xe này cũng sẽ bị liệt vào danh sách cấm bán. Rõ ràng, nếu bê bối của Volkswagen không sớm được giải quyết thì tương lai của hãng này sẽ vô cùng ảm đạm, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 270 nghìn công nhân đang làm việc tại Đức và hơn nửa triệu nhân viên trên khắp thế giới.