Hoài cổ với xế độ của Royal Enfield Bullet 500

Đúng như cái tên của nhà độ Old Empire Motorcyles, mẫu Fox gợi cho người ta nhớ tới những chiếc xe thời xa xưa, mang đậm phong cách hoài cổ. Phiên bản “con cáo” phát triển từ mẫu xe Royal Enfield Bullet 500 vốn không tinh xảo hay quá phô trương, nhưng mang đậm dấu ấn của thập niên 50 thế kỷ trước.

Bản độ này sở hữu nhiều yếu tố thu hút được người xem, bắt đầu từ ngoại hình ấn tượng với phần khung được cắt gọn đến mức tối đa làm lộ động cơ trần trụi bụi bặm. Không chỉ vậy, các bộ phận khác của xe cũng được “cắt tỉa” triệt để so phiên bản gốc từ đuôi xe đến dè trước/sau đều được cắt ngắn tối đa. Ống xả được rút gọn để tạo ra tiếng nổ không “đụng hàng”. Bộ phận này được mạ crôm tạo nên điểm nổi bật tựa như sự giao thoa giữa đương đại và nét cổ điển trong tổng thể xe.
 
 
Tiếp đến, bản độ này cho người xem một cảm giác như mình đang đứng trước một con thú hoang chưa được thuần phục. Điều này được thể hiện qua thiết kế yên xe thấp trong khi phần đầu xe nhô cao vươn về phía trước như sẵn sàng “chồm” lên vồ mồi khi di chuyển. Bộ phận yên xe kiểu “bánh mỳ” của Royal Enfield Bullet 500 đã được thay thế bằng chiếc yên đơn cổ điển. Thiết kế này khiến người lái nhoài ra phía trước đón gió một cách ngỗ ngược. Nhưng phong cách độ yên đã biến hóa chiếc Royal Enfield Bullet Electra đời 2009 kiểu dáng già nua thành một bản độ tuyệt vời với sức hút rất mãnh liệt.
 
 
Điểm nhấn khác thu hút người xem là bình xăng của Harley Davidson được sơn theo tông màu chung của xe và nhiều chi tiết được thay mới hoàn toàn như giảm xóc sau, đèn pha phía trước. Chia sẻ với phóng viên Xe&ĐờiSống, Alec Sharp, người đứng đầu hãng độ xe Empire, chủ nhân của nhiều bản độ bằng phương pháp thủ công mang phong cách bobber hầm hố và cơ bắp, khẳng định: “Nó là một phiên bản tuyệt đẹp, nhiều người nghĩ rằng tôi đã phải thay đổi nhiều bộ phận so với bản gốc nhưng thực sự không phải vậy. Tôi chỉ thay đổi một số chi tiết như hạ thấp phần đuôi sau với bộ máy giảm xóc Hagon cùng… chứ không can thiệp quá nhiều”.
 
 
 
Fox vẫn giữ nguyên các thông số máy của bản nguyên bản nghĩa là kiểu dáng cỏ nhưng động cơ hiện đại khi được trang bị hệ thống phun xăng điện tử cho động cơ xi-lanh đơn có dung tích 500 phân khối nhằm đảm bảo tiêu chuẩn khí thải Euro III. Tuy vậy, công tắc cho le gió nằm ở tay lái bên trái vẫn được giữ lại để làm cảnh. Động cơ được làm mát bằng không khí, xe sử dụng bộ côn ướt với 5 cấp số. Khối động cơ 500 phân khối cho công suất tối đa 27,2 mã lực, mô-men xoắn cực đại 41,3 Nm ở 4.000 vòng/phút.
 
 
Tay lái kiểu dáng ngược với kiểu dáng cổ điển nhằm hạ thấp trọng tâm về phía trước, được mạ niken tạo thêm cho người ngồi cảm thấy thú vị hơn, đồng thời để phù hợp với việc giảm chiều cao chung của Fox xuống 2-3 inch so với Bullet 500. Trái ngược với hơi hướng cổ điển bao phủ lên Fox, cụm đèn pha trước sử dụng bóng halogen hiện đại giúp tăng khả năng quan sát vào buổi tối, tạo thành một khối liền với bảng đồng hồ trung tâm, đồng hồ tốc độ và đồng hồ báo xăng đặt chéo nhau thật đơn giản nhưng khá độc đáo. Ngoài ra, một số chi tiết như đèn hậu sau đặt lệch, cụm đèn xi-nhan trước đặc biệt tinh tế. Điểm xuyết cùng với xe là các chi tiết bằng da hand-made đã thay đổi khái niệm hoàng gia thành phủi bụi thời trang. Thoáng nhìn, chiếc xe như thể được áp dụng mọi công nghệ chế tạo ngoại thất cũ kỹ có từ thế kỷ trước đặc biệt qua tông màu xanh đen hay màu xanh huyền đêm, đôi khi nhấn nhá thêm màu bạc sang trọng và màu da vượt thời gian của yên xe, của túi đựng hộp điện. Với ngoại hình như vậy, Alec đã chọn cho chú xế của mình cái tên Fox như muốn ám chỉ là một loài cáo lông đỏ nhanh nhẹn, khôn ngoan và luồn lách giỏi.